Rác thải điện tử tại một bãi phế liệu ở Lagos. Ảnh: Irene Galan.

 
Gia Khánh Thứ Hai | 28/10/2024 17:06

Lợi nhuận khủng từ rác thải điện tử

Ở Nigeria và các quốc gia đang phát triển khác, công việc kinh doanh tháo dỡ thiết bị điện tử và thu kim loại có giá trị đang nở rộ.

Tại Lagos, Nigeria, ông Tijjani Abubakar điều hành một doanh nghiệp sinh lợi: Ông bán rác từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới cho một số quốc gia giàu có nhất.

Khu vực làm việc của ông Abubakar nằm trong một toà nhà bê tông tồi tàn gần một khu chợ điện tử, nơi này có thể được xem là một "nhà xác" của những chiếc điện thoại di động bỏ đi. Lấy điện thoại ra khỏi những bao bự, công nhân dùng búa và tua vít đập vỡ chúng như cách đập những quả óc chó. Đôi tay thành thạo của họ kéo ra những bảng mạch màu xanh lá cây nằm sâu bên trong, sau đó ném chúng thành đống dưới chân.

Nhà kho của ông Abubakar ở Lagos. Ảnh: Vince Beiser.
Nhà kho của ông Abubakar ở Lagos. Ảnh: Vince Beiser.

Các bảng mạch chứa một lượng nhỏ đồng, niken, vàng và các kim loại có giá trị khác. Tuy nhiên, việc thu hồi những kim loại đó khó hơn nhiều so với việc chỉ cần đập vỡ một chiếc điện thoại. Việc cắt nhỏ các bảng mạch và tách các thành phần của chúng đòi hỏi thiết bị tinh vi, đắt tiền. Không một cơ sở nào ở bất kỳ nơi nào tại châu Phi có khả năng thực hiện kỳ ​​công này. Vì vậy, ông Abubakar xuất khẩu bảng mạch cho các nhà tái chế nước ngoài được trang bị tốt hơn. Hầu hết các nhà tái chế đều ở châu Âu hoặc Trung Quốc, đôi khi là ở chính những quốc gia nơi các thiết bị được sản xuất.

Việc các nước giàu đổ rác thải điện tử vào các nước nghèo không có gì mới lạ và đã được ghi chép đầy đủ. Tuy nhiên, điều ít được báo cáo hơn là dòng rái thải điện tử đang di chuyển theo hướng ngược lại, do các doanh nhân ở Nam Bán cầu thúc đẩy.

Rác thải điện tử, như mọi người thường gọi, là một danh mục rộng bao gồm hầu như bất kỳ thứ gì có phích cắm hoặc pin đã bị vứt đi, chẳng hạn như máy tính, điện thoại, bộ điều khiển trò chơi và các thiết bị kỹ thuật số khác đã qua sử dụng... với khối lượng ngày càng tăng.

 

Câu hỏi về cách xử lý tất cả những thứ này ngày càng trở nên cấp bách hơn; đây là một dạng rác thải đặc biệt gây phiền toái. Nếu chỉ vứt vào bãi rác, chúng có thể rò rỉ hóa chất độc hại vào đất và nước. Còn phần pin lithium-ion có thể bắt lửa, khiến các bãi rác bốc cháy. Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính rằng chỉ có 22% tổng số rác thải điện tử trên toàn thế giới được thu gom và tái chế. Phần còn lại bị vứt bỏ, đốt cháy hoặc chỉ bị lãng quên ở nhà hoặc nơi làm việc.

Ngoài thiệt hại về môi trường, đây là sự lãng phí tài nguyên khổng lồ. Các thiết bị kỹ thuật số chứa nhiều kim loại có giá trị, chẳng hạn như đồng trong bảng mạch và cáp hay lithium, coban và niken trong pin. Theo Liên Hợp Quốc, thế giới hiện đang vứt bỏ hơn 60 tỉ USD kim loại trong rác thải điện tử mỗi năm.

Ở các nước giàu, hầu hết mọi người không có cách dễ dàng nào để tái chế iPhone hoặc bộ điều khiển Xbox cũ, vì vậy chúng bị vứt đi hoặc phủ bụi trong các ngăn kéo đồ bỏ đi. Ở Mỹ và Châu Âu, ít hơn 1 trong 6 điện thoại di động hỏng được tái chế.

Nhưng tại các nước đang phát triển thì khác. Nếu sống với 2 USD một ngày thì việc kiếm được 10 cent từ một chiếc bàn chải đánh răng điện bỏ đi vẫn rất đáng giá. Theo Liên Hợp Quốc, chưa đến 1% trong số 3 triệu tấn rác thải điện tử mà châu Phi thải ra mỗi năm được tái chế bởi các doanh nghiệp chính thức, được cấp phép. Tỉ lệ tái chế thực tế cao hơn nhiều. Nigeria, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, là nơi có mạng lưới hiệu quả đáng kinh ngạc gồm hàng chục nghìn người nhặt rác và thu gom rác thải không có giấy phép, không phải đóng thuế, chuyên thu gom điện thoại, máy tính xách tay, bộ định tuyến Wi-Fi và các mảnh vụn điện tử khác rồi bán cho các nhà môi giới địa phương như ông Abubakar. 

 

Ông Abubakar mua và bán đủ loại rác thải điện tử, nhưng ông chuyên về điện thoại di động, thứ mà mỗi năm trên toàn thế giới thải ra hơn 5 tỉ chiếc. 

Không ai biết chính xác có bao nhiêu rác thải điện tử chảy từ các nước nghèo sang các nước giàu, nhưng rõ ràng đây là một hoạt động thương mại đang phát triển. Người mua từ các công ty Trung Quốc, cũng như các công ty châu Âu như gã khổng lồ tái chế Umicore của Bỉ, đang tích cực lùng sục các thị trường phế liệu ở Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh để tìm kiếm vật liệu tái chế và vận chuyển về nước họ. 

Tuy nhiên rác thải điện từ cũng đi đôi với nhiều vấn đề. Ở Nigeria, đã có ghi nhận về mức độ nguy hiểm của kim loại nặng và các chất độc khác trong đất tại các địa điểm tháo dỡ rác thải điện tử. Các nghiên cứu về Guiyu, nơi có khu phức hợp tái chế rác thải điện tử lớn nhất Trung Quốc, đã phát hiện ra nồng độ chì cực cao trong máu của trẻ em sống gần đó. Một nghiên cứu năm 2019 của một tổ chức môi trường ở Ấn Độ đã phát hiện ra hơn một chục "điểm nóng" tái chế rác thải điện tử không có giấy phép xung quanh Delhi, nơi có khoảng 50.000 người làm việc. Tại những khu vực đó, những công nhân không được bảo vệ đã phải tiếp xúc với hơi hóa chất, bụi kim loại và nước thải có tính axit.

Có thể bạn quan tâm:

 Nhà vô địch pin châu Âu rơi vào khủng hoảng ra sao?

Nguồn Bloomberg