Bất kỳ sự gia tăng nào về lãi suất đều trực tiếp làm tăng chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Ảnh: AFP.
Lợi nhuận của hàng triệu công ty ASEAN đang bị "bóp nghẹt"
Ông Renaldi Perdana Kesuma, người sáng lập kiêm CEO của Tenue de Attire, một công ty thời trang nam có trụ sở tại Jakarta, phàn nàn rằng lãi suất cao hơn đã đẩy chi phí kinh doanh của ông tăng từ 7% lên 10%.
Chủ của doanh nghiệp gồm 42 nhân viên với doanh thu hàng năm khoảng 1 triệu USD vào năm ngoái, cho biết ông không thể chuyển phần chi phí tăng thêm cho người tiêu dùng vì sức mua của họ đã giảm.
Ông Renaldi nói: “Khách hàng của chúng tôi có các khoản nợ và khoản vay cần phải trả, vì vậy bất kỳ sự thay đổi nào về lãi suất cũng sẽ ảnh hưởng đến họ. Kết hợp với việc chi phí cho các nhu cầu cơ bản đã tăng, dẫn đến hầu bao cho việc mua sắm quần áo cũng bị thắt chặt lại.”
Công ty của ông Renaldi là một trong số 71 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) ước tính ở Đông Nam Á, là xương sống của nền kinh tế khu vực, đang chịu tác động không hề nhỏ của việc tăng lãi suất.
Trong bối cảnh đó, ông Arsjad Rasjid, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), cho biết: “Bất kỳ sự gia tăng nào về lãi suất đều trực tiếp làm tăng chi phí tài chính của các doanh nghiệp. Tôi lo rằng tình trạng này có thể dẫn đến giảm lợi nhuận, hạn chế khả năng tiếp cận vốn và làm tăng nguy cơ vỡ nợ, trong khi MSME tạo không ít việc làm và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.”
Ông Arsjad cho biết, mặc dù MSME đóng vai trò trung tâm trong các nền kinh tế của khu vực, nhưng họ chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động.
71 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở 10 quốc gia thành viên ASEAN chiếm 97% số doanh nghiệp trong khu vực và sử dụng 67% lao động, đồng thời đóng góp trung bình 40,5% vào tổng sản phẩm quốc nội của mỗi quốc gia, theo ASEAN-BAC. Trong số đó, 62 triệu MSME có trụ sở tại Indonesia.
Ông Jayant Menon, thành viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, cho biết các MSME có khoản vay với lãi suất thả nổi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi những người có khoản vay với lãi suất cố định sẽ được hưởng lợi.
Ông Jayant nhận định lãi suất cao cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng, dẫn đến doanh số bán hàng thấp hơn: “Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng đến các MSME ở cả phía cung và cầu, tạo ra một cú sốc kép có thể khiến nhiều người trong số họ đứng trước bờ vực phá sản”.
Theo số liệu từ Ngân hàng Phát triển Châu Á, lãi suất tăng 1% cũng đủ để khiến lợi nhuận của các MSME giảm 0,5%. Đáng báo động là lãi suất tăng chỉ 1% cũng có thể dẫn đến sự gia tăng 10% số lượng MSME phá sản.
Ông Arsjad, người cũng là chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, cho biết: “Những thống kê này đặc biệt đáng lo ngại trong bối cảnh tại Indonesia cứ mỗi 5 cư dân thì có một MSME.”
Ông Iman Kusumaputra, đồng sáng lập Kopikalyan, một doanh nghiệp rang xay cà phê đặc sản của Indonesia, là một MSME khác đang phải đối mặt với chi phí cao hơn. Ông cho biết: "Chi phí đã tăng trung bình từ 10% đến 15% kể từ năm 2022. Tỷ suất lợi nhuận giảm từ 3% đến 5%."
Ông Iman cũng lo ngại về việc chi phí máy móc thiết bị ngày càng tăng và không thể điều chỉnh giá, vì vậy trọng tâm hiện tại của ông là tăng sản lượng bán hàng. "Áp lực chi phí cũng buộc chúng tôi phải trở nên sáng tạo và siêng năng hơn trong R&D."
Mặc dù vậy, ông Manggi Taruna Habir, một thành viên khách mời tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, tỏ ra tích cực hơn, nói rằng tình hình đối với các MSME của Indonesia không "tàn khốc như một số dự đoán."
Ông Manggi cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Indonesia đã phải đối mặt với lãi suất cao trong nhiều năm, một phần là do các khoản vay đến từ những bên cho vay phi chính thức, với lãi suất cao hơn so với ngân hàng chính thống.
Ông Arsjad Rasjid của ASEAN-BAC cho biết, nhiều MSME phải vật lộn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt do các tổ chức tài chính truyền thống đặt ra, thiếu tài sản thế chấp đầy đủ hoặc hiểu biết về tài chính hạn chế, khiến họ khó tiếp cận tín dụng.
Có thể bạn quan tâm:
Giá gạo châu Á đạt đỉnh vì El Nino
Nguồn Nikkei Asia