Lợi nhuận của các đại gia quốc tế giảm sâu
Các doanh nghiệp Mỹ từ chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s cho đến tập đoàn đa quốc gia Honeywell International đã cắt giảm mạnh chi phí và mua lại cổ phiếu quỹ để cải thiện lợi nhuận. Trong bối cảnh doanh số bán toàn cầu ảm đạm, nhà khai thác dịch vụ truyền hình trả tiền châu Âu Sky Plc và tập đoàn công nghiệp Hyundai Heavy Industries của Hàn Quốc cũng đang ra sức cắt giảm chi phí để gia tăng lợi nhuận.
John Carey, nhà quản lý quỹ thuộc Pioneer Investment Management Inc., đã quá quen thuộc với tình cảnh này. “Không có nhiều thứ mà bạn có thể gọi là tăng trưởng lợi nhuận thực sự thông qua cải thiện kinh doanh và doanh số bán cũng như qua việc bành trướng hoạt động. Các doanh nghiệp cứ mãi loay hoay tìm kiếm động cơ tăng trưởng mới để tạo ra lợi nhuận”, Carey nói. Công ty của Carey quản lý khoảng 240 tỉ USD giá trị cổ phiếu và tài sản thu nhập cố định trên toàn thế giới.
Thực vậy, các doanh nghiệp trên thế giới đã có 7 năm đối mặt với nền kinh tế toàn cầu xanh xao, khu vực sản xuất Mỹ phục hồi yếu ớt, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, trong khi giá dầu giảm xuống còn 50 USD/thùng từ mức hơn 100 USD/thùng của năm 2014.
Nền kinh tế thế giới dự kiến tăng trưởng chỉ 2,9% trong năm nay, theo ước tính trung bình của các chuyên gia kinh tế do Bloomberg khảo sát. Đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009. Trong đó, Mỹ, EU, Trung Quốc và Mexico đều dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng chậm hơn trong năm nay so với năm 2015.
Các điều kiện không thuận lợi đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500, chẳng hạn, đang chứng kiến quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận bị sụt giảm. Đà giảm này có sự góp phần lớn của các công ty năng lượng, vốn đang vật vã vì giá dầu thấp và nền kinh tế toàn cầu ảm đạm. Cụ thể, lợi nhuận đã giảm 3,3% so với cách đây 1 năm, trong khi doanh số bán giảm 0,5% (dựa trên báo cáo của khoảng 2/3 doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh). Nếu loại trừ các công ty năng lượng, lợi nhuận tăng 1,1% và doanh số bán tăng 3%.
Các doanh nghiệp châu Á và châu Âu có tình hình kinh doanh còn tồi tệ hơn. Dựa trên báo cáo của 294 doanh nghiệp trong chỉ số MSCI AC Asia Pacific Index đã công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận đã giảm tới 19%. Trong khi đó, tại châu Âu, lợi nhuận đã giảm 14%, căn cứ trên báo cáo của gần 2/3 doanh nghiệp thuộc Stoxx Europe 600 Index.
Với quý III sắp kết thúc, có nhiều lý do để phải thận trọng, theo Mark Luschini, trưởng chiến lược gia về đầu tư tại Janney Montgomery Scott LLC, quản lý 54 tỉ USD giá trị tài sản. Biên lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp trong chỉ số S&P 500 đã giảm dưới 12% lần đầu tiên kể từ năm 2010 và có thể sẽ còn giảm sâu hơn nữa dưới áp lực về lương. “Biên lợi nhuận đã bị xói mòn trong nhiều năm qua. Tôi cho rằng chúng ta sẽ còn tiếp tục chứng kiến điều này khi hoạt động tuyển dụng và mức lương tăng lên. Nó sẽ tạo thêm sức ép lên biên lợi nhuận trong khi tăng trưởng doanh thu lại không có”, Luschini nói.
Trong quý II năm nay, nhà sản xuất dầu mỏ ConocoPhillips đã báo cáo mức lỗ tới 1,1 tỉ USD, quý thứ 5 liên tiếp bị lỗ. Caterpillar, nhà sản xuất các thiết bị, máy móc công nghiệp nặng như máy đào, máy xúc, xe tải, lần thứ 2 hạ dự báo doanh số bán và lợi nhuận cả năm 2016 sau khi cho biết doanh thu quý II năm nay giảm 16%.
Hãng điện tử Sony của Nhật cũng chứng kiến lợi nhuận mỗi cổ phiếu (EPS) giảm tới 76% trong quý kết thúc vào tháng 6 trong khi doanh số bán giảm 11%. Lợi nhuận tại Mitsui OSK Lines Ltd., hãng đóng tàu lớn thứ 2 của Nhật xét về vốn hóa thị trường, đã giảm tới 89%.
Tuy nhiên, theo Jill Carey Hall, chiến lược gia cổ phiếu Mỹ tại Bank of America Corp., đà sụt giảm lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 có lẽ đã chạm đáy với quý I giảm 6,7%. Bà cho rằng lợi nhuận có thể sẽ lấy lại đà trong quý này. “Chúng ta đã mắc kẹt với mức tăng trưởng doanh số bán ì ạch quá lâu. Cuối cùng chúng ta có thể sẽ thấy một số dấu hiệu phục hồi ban đầu”, Hall nói.
Dẫu vậy, Hall cũng khuyến cáo, đà phục hồi lợi nhuận mỏng manh này có thể bị “phá hỏng” bởi quyết định rời khỏi EU của Anh (được gọi là Brexit). Bà cho biết sự kiện Brexit khiến các doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn vì họ muốn chờ xem tác động của nó đến đâu. Ngoài ra, cũng có một số lo ngại trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và sự gia tăng các đợt tấn công khủng bố trên toàn cầu.
Đối với hãng xe Mỹ General Motors Co., Brexit “đã tạo sức ép” lên thị trường ôtô Anh. Cùng với tác động từ đồng bảng Anh yếu đi, điều đó có thể làm sụt giảm 400 triệu USD doanh thu trong nửa cuối năm 2016, theo Giám đốc Tài chính Charles Stevens. Tại Ford Motor, Giám đốc Tài chính Bob Shanks cho biết Brexit sẽ khiến Công ty tổn thất khoảng 200 triệu USD năm nay, tăng lên mức 400-500 triệu USD vào năm 2017.
Đáng chú ý là giá chứng khoán không hề nao núng trước các sự kiện chính trị hay các cuộc tấn công khủng bố. Chỉ số S&P 500 đã đạt mức cao kỷ lục vào ngày 22.7, trong khi FTSE 100 đạt mức cao trong năm nay vào ngày 27.7. Hệ số P/E của S&P 500 đã lên tới 20 lần đầu tiên kể từ năm 2009. Jim Paulsen, trưởng chiến lược gia về đầu tư tại Wells Capital Management, quản lý khoảng 340 tỉ USD giá trị tài sản, cho rằng thị trường đang dự báo đợt hồi phục kinh tế mà từ đó sẽ giúp thúc đẩy lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Paulsen cho biết chỉ số Citigroup Economic Surprise Index (đo lường độ chính xác của các báo cáo so với dự đoán của các nhà kinh tế) đã dương vào tháng 7, lần đầu tiên kể từ đầu năm 2015, Niềm tin tiêu dùng, doanh số bán nhà mới, doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp đều cao hơn so với ước tính.
Theo Paulsen, giá cả hàng hóa hồi phục sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và các gói kích thích kinh tế có thể giúp châu Âu rẽ sang bước ngoặt mới. “Những kỳ vọng của thị trường lúc nào cũng thái quá. Thị trường quá lạc quan về lợi nhuận trong khi thực tế cho thấy điều ngược lại. Rồi họ lại quá bi quan về lợi nhuận khi đà tăng đã bắt đầu”, ông nói.
Một điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận là ngành công nghệ. Kết quả kinh doanh của Alphabet Inc. (công ty mẹ của Google) và Apple đã giúp đưa ngành này lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Mức tăng 5% của ngành công nghệ kể từ khi mùa báo cáo lợi nhuận bắt đầu là tốt nhất trong số 10 ngành thuộc S&P 500.
Lợi nhuận của mạng xã hội Facebook đã tăng gần gấp đôi đạt 97 cent/cổ phiếu trong quý II/2016 nhờ doanh số bán quảng cáo video và Instagram tăng 59%. Alphabet báo cáo doanh số bán và lợi nhuận vượt qua cả dự báo của giới phân tích nhờ doanh số bán quảng cáo di động tăng và kiểm soát chi phí tốt hơn.
Trong khi đó, tại Uniqlo, nhà sản xuất hàng may mặc của Nhật, lợi nhuận quý III đã vượt ước tính của giới phân tích nhờ doanh số trực tuyến cao hơn dự kiến ở thị trường nội địa. Lợi nhuận hoạt động đã tăng 19% so với cùng kỳ, nhờ doanh số bán thương mại điện tử tăng tới 41%.
Đàm Hoa
Nguồn Bloomberg