Thứ Ba | 17/07/2012 15:44

Lợi nhuận 2011 của ngân hàng ngoại tại Trung Quốc tăng kỷ lục

Đối với các ngân hàng nước ngoài, Trung Quốc vẫn là nơi có triển vọng đầu tư tốt hơn so với các thị trường trong nước.
Theo khảo sát của PricewaterhouseCoopers (PwC) và báo cáo của 41 ngân hàng quốc tế, xu hướng ngày càng nhiều công ty đa quốc gia đầu tư vào Trung Quốc đã giúp lợi nhuận của các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất châu Á này tăng gấp đôi lên 16,73 tỷ nhân dân tệ (2,62 tỷ USD) trong năm 2011. PwC cũng dự báo lợi nhuận này tiếp tục tăng 20% mỗi năm cho tới năm 2015.

Trong khi đó, tài sản của các ngân hàng như Barclays Bank (BCS), Credit Suisse (CS), Deutsche Bank (DB), JPMorgan Chase and Co. (JPM) và 4 ngân hàng lớn của Australia cũng lên tới 2,15 nghìn tỷ nhân dân tệ trong gần 1 quý.

Kết quả lạc quan này được đưa ra sau khi các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng chậm lại. Tuần này, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm nay và cảnh báo khả năng hạ cánh cứng trong trung hạn.

Suy giảm tăng trưởng kinh tế cũng bắt đầu ảnh hưởng đến khu vực doanh nghiệp. Kể từ ngày 13/6, các công ty lớn của Trung Quốc bao gồm tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử ZTE, Tập đoàn China Eastern Airlines và nhà bán lẻ Suning Appliance đều đã cắt giảm doanh thu dự báo, trong khi một số công ty nước ngoài như Nike, Burberry Group PLC cũng đã cho biết tăng trưởng chậm lại làm giảm nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với các ngân hàng nước ngoài, Trung Quốc vẫn là nơi có triển vọng đầu tư tốt hơn so với các thị trường trong nước.

Hôm qua 16/7, Vikram Pandit, giám đốc điều hành Citigroup đặt cược tương lai của ngân hàng lớn thứ 3 ở Mỹ này vào hoạt động kinh doanh ngày càng phát triển ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh và thu nhập thấp sau báo cáo thu nhập giảm 12% xuống còn 2,95 tỷ USD so với 3,34 tỷ trong năm ngoái.

Các ngân hàng nước ngoài tập trung đầu tư vào Trung Quốc nhiều hơn từ năm 2008, cuộc khảo sát cho thấy. Tại Thượng Hải, những ngân hàng này đang nắm giữ 12% trong số các tài sản trị giá 8,2 nghìn tỷ nhân dân tệ và PwC dự báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên do Bắc Kinh vẫn tự do hóa tiền tệ và dỡ bỏ các hạn chế đối với hệ thống tài chính.    

Đối với nhiều ngân hàng, đặc biệt những ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi khủng hoảng nợ châu Âu, rào cản chính đối với việc tăng lợi nhuận là gây quỹ cho vay. Các ngân hàng đang tập trung nhiều hơn vào huy động vốn từ tiền gửi doanh nghiệp địa phương thay vì thông qua công ty mẹ của họ, William Yung, Đối tác Dịch vụ cố vấn tài chính PwC cho biết.

"Thách thức cơ bản đối với các ngân hàng nước ngoài trong 3 năm tới là cân bằng giữa đầu tư và nhu cầu của Trung Quốc, thị trường vốn phát triển nhanh và năng động nhằm đối phó với nền kinh tế khó khăn ở các nước này", ông Yung cho biết thêm.

Nguồn Nasdaq/DVT


Sự kiện