Thứ Sáu | 12/07/2013 13:28

Lợi ích kinh tế các nước ngày càng đối lập

Các chính sách hiện tại sẽ giúp Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tăng trưởng bền vững hơn nhưng khiến các nước phụ thuộc thiệt hại.
Những dấu hiệu cho thấy Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị thu hẹp gói kích thích đang đẩy lãi suất ở Mỹ và nước ngoài lên cao. Các biện pháp xiết chặt tín dụng mạnh nhất thập kỷ qua tại Trung Quốc cũng đang đe dọa làm xói mòn trụ cột tăng trưởng của thế giới. Trong khi đó, nỗ lực chấm dứt giảm phát của Nhật Bản đang làm yếu đồng yên và thu hút vốn đầu tư.

Giai đoạn chuyển dịch này có thể khiến kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, nó cũng giúp ba nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng bền vững hơn. Những nước thiệt hại trước mắt gồm các thị trường mới nổi và các nhà sản xuất hàng hóa từng phất lên nhờ chính sách nới lỏng của Mỹ và nhu cầu ở Trung Quốc. Các nền kinh tế vẫn cần phụ thuộc vào nội tệ yếu, như khu vực đồng euro, cũng sẽ bị liên lụy.

Trung Quốc.

Stephen Jen, đồng sáng lập quỹ SLJ Macro Partners ở London cho rằng: "Cả thế giới đều đang chuyển động. Và khi điều đó xảy ra, anh sẽ thấy có va chạm. Các khu vực sẽ ngày càng xa cách nhau và thị trường tài chính sẽ càng biến động". Theo Morgan Stanley, các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi hay Ukraine đều sẽ bị tổn thương nếu dòng vốn đầu tư bị rút ra đột ngột.

Việc này được phản ánh trong dự báo ngày 9/7 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Trong đó cho biết khoảng cách về tốc độ tăng trưởng giữa các nước phát triển và mới nổi vẫn duy trì ở mức thấp nhất thập kỷ, với 3,8% năm 2013. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay xuống 3,1% do sự suy giảm tại các nước mới nổi.

Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg London, nhận xét: "Kinh tế thế giới đang tiến triển đáng kể. Vậy nên, chúng ta không cần quá lo ngại. Tăng trưởng toàn cầu dần dần trở lại thế cân bằng là tốt với tất cả mọi người, trong trung hạn".

Nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường biến động là tuyên bố ngày 19/6 vừa qua của chủ tịch Fed - Ben S. Bernanke về việc có thể giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 85 tỷ USD trong năm nay. Kể từ sau khi Bernanke nêu ra khả năng này hồi tháng 5, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng lên 2,62%, từ 2,04% trước đó.

Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư tại Wells Capital Management cho biết mức tăng này là tốt vì chúng phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào FED và kinh tế Mỹ đang tăng. Ông nhận thấy kể từ năm 1967, nếu lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm dưới 6%, bất kỳ mức tăng nào cũng liên quan đến niềm tin cải thiện.

Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ cuối tuần trước, trong tháng 6, số việc làm tại đây đã tăng 195.000, vượt dự đoán của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 7,6%, gần như thấp nhất 4 năm qua. Nếu lòng tin tiếp tục được củng cố, "lãi suất cao chưa chắc sẽ tác động xấu đến hoạt động kinh tế, và thị trường chứng khoán có thể tiếp tục khởi sắc", Paulsen cho biết.

Chỉ số S&P 500 đã tăng 15% trong năm nay. Theo một báo cáo của BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, giảm quy mô kích thích "là tốt" khi bảng cân đối kế toán của Fed đã vượt quá 3.000 tỷ USD nhưng không kích thích được tín dụng và GDP tăng trưởng mạnh. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, GDP nước này chỉ tăng 1,8% trong quý đầu so với cùng kỳ, thấp hơn dự kiến là 2,4%.

Nguồn VNExpress


Sự kiện