Lộ trình cải cách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc
Theo kế hoạch cải cách chi tiết được công bố vào ngày 15/11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Trung Quốc cam kết sẽ "cải thiện cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ (NDT) dựa trên thị trường và đẩy mạnh việc thả nổi lãi suất. Trung Quốc sẽ làm tăng khả năng chuyển đổi của đồng NDT trong các hoạt động giao dịch quốc tế và giao dịch liên ngân hàng."
Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng kế hoạch cải cách của Trung Quốc không có gì mới, và chỉ là sự lặp lại những gì trước đây chính quyền trung ương Trung Quốc đã công bố. Dường như họ không nghiên cứu toàn bộ tài liệu liên quan đến cải cách kinh tế của Trung Quốc, hoặc có thể họ chỉ xem xét các phần một cách tách biệt. Trong một giới hạn nào đó, họ đã bỏ qua một điểm rất quan trọng.
Trung tâm của chương trình cải cách kinh tế là sự cam kết của chính phủ Trung Quốc "giao cho thị trường vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực và phát huy tốt hơn vai trò của chính phủ." Vai trò "quyết định" của thị trường là một cụm từ mới. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn và tích cực của nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cơ chế tỷ giá hối đoái, hệ thống lãi suất và khả năng chuyển đổi của tài khoản vốn.
Nếu những người hoài nghi về cải cách Trung Quốc cho rằng có mối liên hệ qua lại giữa vai trò "quyết định" của thị trường với cải cách tỷ giá hối đoái, thì họ đã vẽ ra một bức tranh hoàn toàn khác về viễn cảnh kinh tế Trung Quốc.
Nội dung lặp lại trong công bố cải cách là dấu hiệu cho thấy lãnh đạo Trung Quốc cam kết thúc đẩy cơ chế tỷ giá hối đoái hoạt động theo cơ chế thị trường, thực hiện vững chắc các cải cách về lãi suất và cải cách tài khoản vốn, đồng thời đẩy nhanh tốc độ cải cách. Các quyết định được thông qua tại Hội nghị Trung ương Trung Quốc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy định hướng cải cách tỷ giá hối đoái của Trung Quốc trong tương lai. Đây là động thái hướng tới việc xây dựng một nền kinh tế thị trường mở cửa và tự do, không chịu nhiều can thiệp, điều tiết của chính phủ.
Tóm lại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) dường như đang đẩy nhanh tốc độ cải cách chính sách tiền tệ và từng bước giao cho thị trường vai trò quyết định trong việc thiết lập tỷ giá hối đoái của đồng NDT.
Có thể nhận ra điều này trong các công bố gần đây của Thống đốc PBOC Chu Tiểu Xuyên. Ông cho biết PBOC sẽ "chấm dứt về cơ bản" sự can thiệp thường xuyên của ngân hàng trung ương vào thị trường tiền tệ. Điều này khác với công bố trước đây của ông: ngân hàng trung ương sẽ "giảm" can thiệp vào thị trường.
Tuy nhiên, các cải cách không thể diễn ra trong ngày 1 ngày 2. Nó sẽ diễn ra trong từng giai đoạn. PBOC sẽ tiếp tục nới rộng biên độ giao dịch hàng ngày của đồng nhân dân tệ lên mức 1% so với mức 0,5% của năm trước. Trong dài hạn, biên độ giao dịch sẽ được loại bỏ để tỷ giá đồng NDT được thả nổi.
Tốc độ cải cách lãi suất có thể sẽ được đẩy nhanh sau Hội nghị Trung ương 3. Sau khi bỏ sàn lãi suất cho vay trong tháng 7/2014, hệ thống bảo hiểm tiền gửi dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian tới, mở đường cho việc giải phóng lãi suất huy động. Theo kinh nghiệm quốc tế đây là bước cuối cùng trong quá trình thả nổi lãi suất. Cải cách lãi suất sẽ được thực hiện từng bước, và chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ thả nổi lãi suất trong 3-5 năm tới.
Chuyển đổi tài khoản vốn có lẽ là biện pháp cân đối hiệu quả nhất trong số nhiều cải cách trong lĩnh vực tài chính mà Trung Quốc cần phải làm. Việc thực hiện mục tiêu này dựa trên các cải cách về tỷ giá hối đoái và lãi suất. Biện pháp này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng ở thị trường Trung Quốc và nước ngoài.
Kể từ năm 2012, tốc độ thả nổi tài khoản vốn ở Trung Quốc đã tăng nhanh rõ rệt. 85% các tiểu mục trong tài khoản vốn của Trung Quốc hiện nay ở trên mức tiêu chuẩn của IMF, không có hạng mục nào hoàn toàn không có khả năng chuyển đổi .
Cải cách tài khoản vốn được kỳ vọng sẽ diễn ra với tốc độ nhanh hơn do Trung Quốc đã cam kết sẽ "tăng khả năng" chuyển đổi của tài khoản vốn bằng đồng NDT trong chương trình cải cách mới của mình. Điều này đi xa hơn so với báo cáo trước đó là "dần dần thực hiện" chuyển đổi tài khoản vốn.
Về tốc độ cải cách tỷ giá hối đoái, tự do hóa tài khoản vốn của Trung Quốc sẽ được chia thành các giai đoạn. Các tác giả tin rằng, trước tiên Trung Quốc sẽ tự do hóa dòng vốn quốc tế và tăng mức độ chuyển đổi trong giao dịch liên ngân hàng. Hạn ngạch của chương trình QFII và QDII dự kiến sẽ được mở rộng hơn nữa, sau đó giới hạn khối lượng giao dịch sẽ được loại bỏ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với thị trường vốn Trung Quốc và nhà đầu tư Trung Quốc có thể mở rộng đầu tư sang các thị trường trên toàn thế giới. Tự do hóa các hoạt động cho vay xuyên quốc gia và danh mục vốn đầu tư sẽ được bắt đầu ở các giai đoạn tiếp theo.
Trung Quốc cần phải xây dựng hệ thống quản lý nợ nước ngoài và dòng vốn một cách hiệu quả để đảm bảo sự ổn định tài chính, trước khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này từng bước tự do hóa tài khoản vốn.
Mặc dù tốc độ của quá trình tự do hóa này có thể diễn ra nhanh hơn so với mục tiêu của cải cách, quá trình chuyển đổi hoàn toàn tài khoản vốn sẽ không sớm kết thúc. Các kế hoạch cải cách lớn cần nhiều năm để hoàn thành.
Tại thời điểm này, có lẽ độc giả đã có một hình ảnh rõ ràng hơn về lộ trình cải cách tỷ giá hối đoái, lãi suất và tài khoản vốn của Trung Quốc trong những năm tới .
Mặc dù những cải cách này không có thời hạn cụ thể, Trung Quốc cam kết sẽ đạt được "kết quả quyết định" trong những lĩnh vực trọng điểm vào năm 2020.
Trung Quốc đang đi đúng hướng trong giai đoạn phát triển tiếp theo và cải cách tỷ giá hối đoái của quốc gia này đang sẵn sàng tăng tốc. Khi kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020) kết thúc, hình ảnh tương lai của Trung Quốc sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Nguồn Dân Việt/The Diplomat