Thứ Tư | 23/10/2013 23:17

Lo ngại về lạm phát, Trung Quốc có thể thắt chặt cung tiền

Trung Quốc đã phát cảnh báo rằng tín dụng dồi dào có thể gây ra lạm phát sau khi một báo cáo cho thấy giá nhà tăng mạnh nhất gần 3 năm.
Một nhà cố vấn chính sách của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho rằng giới cầm quyền có thể sẽ thắt chặt cung tiền trong hệ thống tài chính nhằm đối phó với rủi ro lạm phát, sau khi ngân hàng trung ương đã không cung tiền mặt cho thị trường tiền tệ trong ngày thứ hai liên tiếp.

Nếu Trung Quốc tiếp tục không bơm tiền mặt vào thị trường trong ngày thứ Năm, thị trường sẽ có một tuần bị rút ròng 58 tỷ Nhân dân tệ - mức lớn thứ hai kể từ tháng 2.

“Chính sách sẽ bị thắt chặt đôi chút vì lạm phát đang tăng. Có một số lo ngại về vấn đề cho vay của các ngân hàng,” theo ông Song Guoqing, một thành viên của ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.

"Việc tinh chỉnh chính sách sẽ dựa chủ yếu vào nghiệp vụ thị trường mở và tôi dự kiến khả năng lãi suất hay tỷ lệ dự trữ ngân hàng sẽ không thay đổi."

Ý kiến ​​của ông Song Guoqing và sự tăng mạnh của giá nhà đã nêu nổi bật tình trạng tiến thoái lưỡng nan về chính sách của chính quyền Bắc Kinh.

Một mặt, các nhà hoạch định chính sách muốn tránh một sự tích tụ của thị trường và sự mất cân bằng kinh tế, chẳng hạn như bong bóng tài sản do nợ gây ra.

Mặt khác, họ không muốn sử dụng các công cụ mạnh mẽ hơn để kiểm soát sự mất cân bằng đó do không muốn kìm hãm sức phục hồi kinh tế hiện vẫn còn khiêm tốn của nước này trước khi diễn ra một cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng tới.

Giá nhà đất của Trung Quốc trong tháng 9 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2011, theo tính toán của Reuters. Chỉ số chứng khoán CSI300 của Trung Quốc đã giảm 1% khi các nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần cho khả năng xuất hiện các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Các nhà kinh tế tin rằng điều kiện tín dụng dồi dào hiện nay trong hệ thống tài chính phản ánh một phần nỗ lực của các nhà chức trách trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nỗ lực của ngân hàng trung ương trong việc điều chỉnh trở lại sau khi gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường liên ngân hàng vào cuối tháng 6.

Động thái đó được nhiều người coi là một cảnh báo cho các ngân hàng trong việc cho vay các lĩnh vực có độ rủi ro cao hơn, nhưng ngân hàng trung ương dường như đã được chính phủ cảnh cáo trước về cách quản lý tiền tệ không rõ ràng đó.

Kinh tế Trung Quốc trong quý 3 đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu năm nay, chủ yếu được thúc đẩy nhờ đầu tư, nhưng đang xuất hiện các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng tín dụng đang hồi sinh có thể làm tăng lạm phát ngay cả khi đợt phục hồi gặp những khó khăn mới.

Lạm phát giá tiêu dùng đã tăng 3,1% trong tháng 9 lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng từ mức 2,6% của tháng 8. Số liệu về giá nhà tăng công bố hôm thứ Ba từ 70 thành phố lớn của Trung Quốc cũng cung cấp thêm bằng chứng về áp lực lạm phát.

Tăng trưởng kinh tế có thể giảm còn 7,5% trong quý 4 so với mức 7,8% trong quý 3, ông Song dự đoán. Nhưng tốc độ tăng trưởng cả năm vẫn có thể đạt 7,6%, chỉ cao hơn đôi chút so với mức mục tiêu 7,5% của chính quyền Bắc Kinh.

"Tăng trưởng chậm lại trong quý 4 có thể sẽ làm dấy lên những lo ngại về sự giảm tốc mạnh nhưng chúng tôi sẽ chào đón nó," các nhà kinh tế của Capital Economics viết trong một báo cáo nghiên cứu.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay mới 787 tỷ Nhân dân tệ (129 tỷ USD) trong tháng 9, cao hơn so với mức dự báo 650 tỷ Nhân dân tệ và cao hơn mức 711,3 tỷ Nhân dân tệ của tháng 8.

Đồng Nhân dân tệ được đổ vào nền kinh tế như một hệ quả từ việc can thiệp mạnh mẽ của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế sức mạnh của đồng nội tệ.

Với việc ngân hàng trung ương dường như đang ngại sử dụng lãi suất để kiềm chế giá bất động sản, thị trường sẽ chuyển trọng tâm chú ý của họ sang cuộc họp chính sách quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 11, khi các nhà lãnh đạo được dự kiến ​​sẽ hoạch định ra phương hướng cho nền kinh tế trong thập kỷ tới.

Nguồn NDH


Sự kiện