Lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong tháng 1
Cụ thể theo báo cáo sơ bộ của HSBC/Markit Economics, chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ lên 49,8 điểm. Mặc dù tăng nhẹ nhưng chỉ số PMI sản xuất của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn ở gần ngưỡng thấp nhất 7 tháng (49,6 điểm) được ghi nhận trong tháng 12/2014.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, PMI sản xuất của Trung Quốc tăng nhẹ chủ yếu nhờ sản lượng sản xuất, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới đồng loạt tăng trong tháng 1/2015.
Ngược lại, giá sản xuất đầu vào và đầu ra lại giảm mạnh hơn so với tháng 12/2014, dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc.
Theo đó, chỉ số giá sản xuất đầu vào giảm xuống 39,9 điểm - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, chủ yếu do đà lao dốc của giá dầu. Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn phải cắt giảm giá đầu ra trong 6 tháng liên tiếp để thúc đẩy tốc độ tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là lý do khiến lạm phát hàng năm của Trung Quốc dao động gần mức thấp nhất 5 năm ở 1,5% trong tháng 12/2014.
Chuyên gia kinh tế Qu Hongbin tại HSBC nhận định, lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục suy yếu trong đầu năm 2015 do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong nước giảm. Chính phủ Trung Quốc cần triển khai nhiều biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Mới đây theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, 2014 được ghi nhận là năm tăng trưởng chậm nhất 24 năm của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Hôm qua ngày 22/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cho biết đã bơm thêm 8 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho người dân trong dịp Tết Nguyên Đán 2015.
Nguồn DVO/ Reuters