Liệu Volkswagen có thể đứng lên từ tâm bão scandal?
Theo CNN, cổ phiếu hãng Volkswagen (VW) giảm 30% kể từ khi vụ bê bối được phanh phui ngày 18.9. Hiện tại, cổ phiếu VW đã giảm đến 50% giá trị so với mức cao nhất trong vòng 52 tuần mà nó đã đạt được hồi tháng 3 vừa qua.
Việc CEO Martin Winterkorn rời ghế lãnh đạo hôm 23.9 phần nào giúp VW trong ngắn hạn, khi cổ phiếu hãng này có đi lên một chút, thoát đáy 52 tuần. Song một chuyên gia về uy tín thương hiệu cho hay hiện giờ, VW cần phải nhanh chóng tìm ra lãnh đạo mới.
“Đây là một mớ hỗn độn. Chuyện CEO vừa từ chức chỉ làm mọi việc rắc rối hơn vì nó tạo ra một con tàu không còn bánh lái”, Richard Torrenzano, CEO công ty chuyên quản lý khủng hoảng cho các tập đoàn lớn Torrenzano Group, cho biết.
Từ trước vụ bê bối, VW đã gặp nhiều vấn đề. Trước hết, Chủ tịch VW Ferdinand Piech và ông Winterkorn có căng thẳng với nhau hồi đầu năm nay. Niềm vui về hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của hãng cũng nhanh chóng biến thành nỗi lo.
Doanh số bán xe tại thị trường Trung Quốc giúp VW vượt qua Toyota, trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới xét về mặt doanh số trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại còn thị trường chứng khoán nước này biến động đã khiến hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc của VW sau đó gặp khó khăn.
Nhà máy hãng Volkswagen tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) - Ảnh: AFP |
Hôm 23.9, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch đưa ra cảnh báo rằng họ có thể hạ thấp xếp hạng nợ của VW vì vụ bê bối vừa rồi. Fitch cho hay 2 mối quan tâm lớn nhất của họ là uy tín của thương hiệu Volkswagen có thể sẽ giáng mạnh vào lợi nhuận của công ty và cách quản trị doanh nghiệp của VW cũng yếu hơn so với các đối thủ chính của hãng.
Fitch chưa đưa ra nhận định về việc vụ bê bối có thể thổi bay bao nhiêu tiền của VW, nhưng chuyên gia phân tích Jose Asumendi của JPMorgan cho hay nếu dự báo một cách rất bi quan, vụ bê bối có thể làm VW tốn 40 tỉ EUR, tương đương 45 tỉ USD.
Nhìn nhận các vụ bê bối trong ngành sản xuất ô tô gần đây, không khó để nhận ra rằng cổ phiếu của các hãng này có thể tăng trở lại như mức ban đầu chỉ sau một thời gian.
Đơn cử, cổ phiếu General Motors (GM) đạt đỉnh 39 USD/cổ phiếu vào tháng 3 năm nay, cao hơn 20% so với mức mà nó đạt được trước khi công ty dính vào một vụ bê bối. Đối với Toyota, cổ phiếu nhà sản xuất ô tô Nhật Bản giảm ngay sau đợt triệu hồi xe vào tháng 11.2009 vì lỗi bàn đạp ga. Song đến đầu năm 2011, cổ phiếu của hãng phục hồi về mức trước khi xảy ra vụ bê bối. Đáng chú ý nhất, thiếu sót của GM lẫn Toyota đều để lại hậu quả là có người thiệt mạng, còn scandal hiện tại của VW thì không.
Nhìn rộng ra khỏi ngành công nghiệp ô tô, đã từng có thời gian, nhiều người nghĩ rằng công ty dầu khí BP sẽ không bao giờ có thể hồi phục sau vụ nổ giàn khoan Deepwater ở Vịnh Mexico, làm chết 11 người và gây ra một vụ tràn dầu lớn. Song cuối cùng, đến tháng 6.2014, giá cổ phiếu BP cao đã đập tan nghi ngại đó.
Vì thế, theo CNN, không hẳn là hãng xe sang Đức sẽ lao đao và không thể phục hồi sau vụ bê bối gian lận này, nhưng công ty sẽ cần phải hành động nhanh chóng và dứt khoát.
Nguồn Thanh nien