Một người dân được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech COVID-19 liều thứ 3 tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel, vào ngày 12/7/2021. Ảnh: AFP.

 
Phùng Mỹ Thứ Ba | 10/08/2021 14:17

"Liều thứ ba" có giúp quốc gia thu nhập cao chiến thắng đại dịch?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Những quốc gia thu nhập cao đã tiêm gần 100 liều vaccine cho mỗi 100 người.

Trong những ngày qua, nhiều quốc gia đã lần lượt đề nghị cũng như tiến hành tiêm liều vaccine thứ ba cho công dân nước họ để ngăn chặn đà bùng phát trở lại của dịch COVID-19 do sự lây lan rất nhanh của nhiều biến chủng. Dĩ nhiên đó là những nước giàu, vẫn còn dư nguồn vaccine sau khi đã tiêm cho ít nhất 50% dân số. 

“Liều thứ ba” chỉ đúng với những người đã được tiêm các loại vaccine cần phải tiêm 2 liều. Rõ ràng đó là liều vaccine “nhắc lại”, được tiêm cho những người đã tiêm đủ 2 liều nhưng có thể là phản ứng miễn dịch sẽ suy giảm theo thời gian, nhất là đối với biến thể Delta và đối với các biến thể khác có thể xuất hiện trong tương lai. 

Tuy nhiên, việc các nước giàu tiêm mũi thứ ba cho người dân sẽ càng làm gia tăng sự cách biệt vốn đã rất lớn giữa các nước giàu với các nước nghèo trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Những quốc gia thu nhập cao đã tiêm gần 100 liều vaccine cho mỗi 100 người. Con số này tại nhóm nước thu nhập thấp chỉ là 1,5 liều cho mỗi 100 người dân do thiếu nguồn cung.

Theo CNN, các chuyên gia cảnh báo cách này không giúp chấm dứt đại dịch. Hàng trăm triệu người trên thế giới vẫn đang chờ đợi được tiêm ngừa COVID-19 mũi thứ nhất. Triển vọng miễn dịch quy mô lớn của người dân những nơi này vẫn còn khá xa.

Ngày 4/8, Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia giàu có ngừng tiêm mũi thứ 3 ít nhất là tới cuối tháng 9. Điều này nhằm để phần lớn quốc gia có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho 10% dân số mỗi nước.

 

Bỏ ngoài tai lời kêu gọi của WHO, Đức và Pháp cho biết sẽ tiếp tục tiêm nhắc lại cho người rủi ro cao trong khi vẫn đảm bảo cam kết tặng vaccine.

Trước đó, Israel đã tiến hành tiêm mũi nhắc lại cho những người tiêm đủ 2 liều Pfizer. Thủ tướng nước này nói việc Israel đi tiên phong nhằm giúp thế giới hiểu rõ hiệu quả của mũi tiêm thứ 3.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đưa thân mẫu đến chích liều vaccine thứ 3 tại Haifa, Israel, ngày 3/8/2021. Ảnh: AP.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett đưa thân mẫu đến chích liều vaccine thứ 3 tại Haifa, Israel, ngày 3/8/2021. Ảnh: AP.

Liệu các nước nói trên có thể đảm bảo cả hai công việc là vừa tiêm mũi 3 vừa viện trợ vaccine hay không? Câu trả lời không ai dám chắc.

Chuyên gia Andrea Taylor thuộc Đại học Duke, Mỹ, người đang nghiên cứu sự phân bổ vaccine toàn cầu, nhận định rằng, đặt ưu tiên tiêm nhắc lại lên trên việc ngăn virus lây lan trên toàn cầu sẽ khiến mọi quốc gia, kể cả những nước thu nhập cao, lâm vào tình thế nguy hiểm hơn.

“Nếu các nước như Đức, Mỹ, hoặc Anh chọn tiêm chủng mũi thứ 3 trước khi nhiều nơi trên thế giới được đảm bảo tiếp cận 2 mũi vaccine, vấn đề thực sự chưa được giải quyết. Điều này giống như dán miếng băng lên trên lỗ hổng lớn”, ông Taylor nói.

Số mũi vaccine ngừa COVID-19 trung bình được tiêm cho mỗi 100 người theo khu vực. Ảnh: CNN.
Số mũi vaccine ngừa COVID-19 trung bình được tiêm cho mỗi 100 người theo khu vực. Ảnh: CNN.

Bốn “nhà máy” vaccine quy mô lớn của thế giới gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, và Trung Quốc. Trong số này, EU là khu vực xuất khẩu vaccine ít nhất. Điều này xảy ra ngay cả khi Ấn Độ dừng xuất vaccine sau đợt lây nhiễm kinh hoàng vừa qua, ông Taylor cho biết.

EU đã đưa ra những lời cam kết lớn, nhưng rất khó để có thể giám sát việc chia sẻ vaccine của khu vực này. Ngay cả Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell cũng thừa nhận khối này còn thiếu hụt rất nhiều so với lời hứa chia sẻ 200 triệu liều trước cuối năm nay.

Mỹ chưa chính thức thông báo chương trình tiêm nhắc lại, nhưng Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng: “Chúng tôi có thể làm cả hai việc: tiêm nhắc lại và quyên tặng vaccine.

Mặc dù, nước Mỹ đã đóng góp hơn 110 triệu liều vaccine cho thế giới, con số lớn hơn mọi quốc gia khác. Nhưng đó vẫn chỉ là muối bỏ bể khi so sánh với con số 11 tỉ liều vaccine mà WHO cho là cần thiết để chấm dứt đại dịch.

WHO và các cơ quan y tế công cộng khác lập luận rằng không ai được an toàn cho tới khi mọi người đều an toàn. Nguyên nhân là thời gian virus Corona lây lan càng kéo dài, nguy cơ biến chủng mới xuất hiện với khả năng kháng vaccine càng lớn.

Dẫu vậy, phương Tây vẫn tập trung vào “chạy đua vaccine” và coi vạch kết thúc của đại dịch là vấn đề trong nước, thay vì xem đó là vấn đề quốc tế.

Có thể bạn quan tâm:

Sự sợ hãi về biến thể Delta tác động hiệu quả hơn trong việc tiêm chủng