Các chuyên gia cho biết vaccine COVID-19 vẫn có “hiệu quả đáng kinh ngạc” mặc dù lo ngại rằng khả năng miễn dịch có thể suy giảm theo thời gian. Ảnh:AFP.
Liều Pfizer thứ 3 giúp giảm nguy cơ nhiễm biến chủng Delta
Theo CNBC, nghiên cứu mới chỉ ra liều Pfizer thứ ba có thể giúp giảm tới 84% nguy cơ dương tính với biến chủng Delta sau khoảng 20 ngày tiêm, so với tiêm 2 mũi tiêu chuẩn.
Phân tích dựa trên dữ liệu của Tổ chức chăm sóc sức khỏe Maccabi ở Israel, quốc gia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường hồi giữa tháng 7, cho thấy liều Pfizer thứ ba có thể giúp giảm 48% - 68% nguy cơ nhiễm nCoV sau khi tiêm từ 7 đến 13 ngày, so với những người tiêm 2 mũi.
Khả năng bảo vệ của liều tăng cường tăng dần theo thời gian, trong đó nguy cơ dương tính với nCoV có thể giảm từ 70% - 84% sau khi tiêm từ 14 -20 ngày.
Nghiên cứu về hiệu quả của liều tăng cường với biến chủng Delta, được công bố hôm 31/8, do phó giáo sư dịch tễ học Daniel M. Weinberger tại Trường Y tế Công cộng Yale ở New Haven, bang Connecticut, Mỹ dẫn đầu. Hiện, nghiên cứu chưa được bình duyệt.
Những phát hiện mới cho thấy liều tăng cường có thể giúp chống lại nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine COVID-19 trong ngắn hạn. Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đã thông báo kế hoạch tiêm liều tăng cường để chống lại biến chủng Delta.
Một người đàn ông Israel tiêm vaccine thứ ba ngừa COVID-19 khi quốc gia này triển khai các mũi tiêm nhắc lại cho những người trên 30 tuổi, tại Rishon Lezion, Israel ngày 24 tháng 8 năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của liều tăng cường đối với nguy cơ nhập viện và tử vong, cũng như cần theo dõi thêm để xác định thời gian bảo vệ của liều tăng cường.
Một nghiên cứu trong vòng 12 ngày do Bộ Y tế Israel công bố hôm 29/8, người tiêm liều tăng cường có nguy cơ nhiễm virus thấp hơn 11 lần và nguy cơ bệnh nặng thấp hơn 10 lần so với những người tiêm hai mũi.
Giáo sư Eyal Leshem, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, người đang điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Israel, nói rằng trong khi các ca bệnh đang gia tăng mặc dù tỷ lệ tiêm chủng cao, tỉ lệ bệnh nặng ở nước này vẫn “thấp hơn đáng kể”.
“Tỉ lệ bệnh nặng ở những người được tiêm chủng là khoảng 1/10 so với những người chưa được tiêm chủng, có nghĩa là vaccine vẫn có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa bệnh nặng”, Giáo sư Eyal Leshem cho biết thêm.
Israel, một trong những quốc gia đi đầu về tiêm chủng toàn cầu, đã ghi nhận số ca nhiễm tăng trong thời gian gần đây, thôi thúc chính phủ và người dân đẩy mạnh chiến dịch tiêm liều tăng cường. 68% dân số Israel đã tiêm ít nhất một liều vaccine, trong đó 62% đã tiêm đủ liều. Khoảng hơn 2 triệu trong tổng số 9,3 triệu dân đã tiêm liều vaccine thứ ba.
Có thể bạn quan tâm: