Liệu Fed đã hết kiên nhẫn?
Vài tuần gần đây, thị trường tiền tệ thế giới, đặc biệt là khối thị trường mới nổi, liên tục biến động mạnh do ECB bắt đầu mua trái phiếu quy mô lớn và đồn đoán về khả năng Mỹ sớm nâng lãi suất.
Tuy nhiên không giống như những gì ECB tuyên bố về chương trình QE, Fed vẫn chưa đưa ra tín hiệu rõ ràng về việc nâng lãi suất. Quan điểm "kiên nhẫn" của Fed thậm chí chỉ khiến thị trường cảnh giác hơn trước những tác động trái ngược trên thị trường trái phiếu, chứng khoán và tiền tệ khi Mỹ và hầu hết các nước khác ngày càng khác biệt về tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ.
Kết quả là, USD tăng giá mạnh so với loạt các đồng tiền chủ chốt; đồng thời kìm hãm xuất khẩu và lạm phát giá nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách Mỹ được cho là vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong một khoảng thời gian nữa bất chấp đà cải thiện ổn định trên thị trường lao động.
Theo dự đoán của phần lớn các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters, Fed sẽ nâng lãi suất trong khoảng 6 tháng cuối năm 2015.
Tuần này ngoài cuộc họp chính sách của Fed, thị trường cũng sẽ theo dõi động thái của loạt ngân hàng trung ương (NHTW) Nhật Bản, Indonesia, Na Uy, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi Nhật Bản và Thụy Sĩ được dự báo sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại thì cả Indonesia, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đều có khả năng hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách lần này.
Theo dự đoán của giới chuyên gia, NHTW Indonesia sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống 7,25% từ mức 7,5% sau đợt hạ lãi suất bất ngờ hồi tháng 2. NHTW Na Uy được dự báo sẽ hạ 0,25 điểm % trong lãi suất cơ bản xuống 1% do triển vọng của ngành dầu khí không ổn định. Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vẫn đang kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện nhiều biện pháp kích thích mạnh tay hơn sau đợt hạ lãi suất hồi tháng 1.
Bên cạnh các cuộc họp chính sách, giới đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi các báo cáo kinh tế để lấy tín hiệu giao dịch hàng ngày.
Nguồn DVO/ Tổng hợp