Thứ Hai | 15/12/2014 08:09

Liệu Fed có giúp thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục?

Theo Bloomberg, 2.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần trước do giá dầu lao dốc.

Gần đây, đà trượt dốc của giá dầu liên tục nhấn chìm các thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow Jones đã có tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2011 với mức giảm 3,8%, S&P 500 giảm 3,5% - mức giảm mạnh nhất hơn 2 năm và chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 2%. Điều này khiến MSCI Toàn cầu (All-Country World Index) mất tổng cộng 3,8% trong tuần, mạnh nhất kể từ năm 2012.

Tuy nhiên tuần này, giới đầu tư chứng khoán đang hy vọng, cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào ngày 17/12 sẽ giúp thị trường chứng khoán lấy lại đà tăng trưởng mạnh trước đó.

Trong những cuộc họp chính sách trước đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khẳng định sẽ dựa vào các số liệu kinh tế, đặc biệt là thị trường lao động để quyết định thời gian nâng lãi suất. Khi chuẩn bị bước sang năm 2015, thị trường ngày càng theo sát số liệu kinh tế cũng như nhận định của các quan chức Fed để phán đoán chủ trương chính sách của ngân hàng trung ương.

Giới đầu tư tin tưởng rằng, Fed sẽ tuyên bố nâng lãi suất sớm hơn trong cuộc họp lần này nhờ những cải thiện đáng kể trên thị trường lao động và bức tranh kinh tế đầy triển vọng.

Ngoài ra, cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ là tâm điểm khác của thị trường trong tuần này.

Chủ nhật vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh đảng Dân chủ tự do Nhật Bản giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm ngày 14/12. Điều này chứng tỏ chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục bước đi với chính sách "3 mũi tên Abenomics" của ông Abe. Mối quan tâm lớn nhất hiện nay của giới đầu tư là khi nào và bằng cách nào, ông Abe sẽ bắn mũi tên thứ 3 - cải cách cơ cấu.

Trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ họp chính sách tháng 12. Thị trường đang trông đợi vào những động thái táo bạo hơn của BOJ nhằm vực kinh tế thoát khỏi tình trạng suy thoái do đợt tăng thuế hồi tháng 4.

Ngoài ra, các số liệu kinh tế Trung Quốc, như PMI sản xuất, FDI, cũng không nằm ngoài "radar" của giới đầu tư khi đà tăng trưởng chậm chạp của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang là một trong những rủi ro lớn của toàn cầu.

Nguồn DVO/ CNBC