Liệu cử tri Pháp sẽ nói "Không" với Le Pen?
2 ứng cử viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp là Marine Le Pen và Emmanuel Macron đều giống nhau ở một điểm: Cả hai đều không thuộc về các đảng phái chính thống, và hứa hẹn chấm dứt nền chính trị cũ kĩ. Đó dường như là điều mà cử tri Pháp mong muốn.
Ngoài điều đó ra, cả hai người này khác nhau hoàn toàn, và chúng ta có thể tóm tắt rằng: Macron là một sự lựa chọn an toàn, và còn Le Pen là hết sức nguy hiểm.
Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Le Pen thiên về chủ nghĩa dân tộc và cực kỳ bài ngoại. Cựu lãnh đạo của đảng này là cha của bà Le Pen, Jean-Marie Le Pen, nổi tiếng với tư tưởng bài Do Thái và Hồi giáo tới mức từng bị phạt khoảng 200.000 euro do các phát ngôn của mình.
Tuy nhiên, con gái của ông là một chính trị gia khôn ngoan hơn. Trong nỗ lực xóa bỏ hình ảnh xấu của của FN và mở rộng đảng này, bà đã trục xuất cha ra khỏi đảng vào năm 2015 và xây dựng hình ảnh của mình là một người có thể "bảo vệ" nước Pháp khỏi những người nhập cư, giới nhà giàu và khủng bố.
Các video tranh cử của Le Pen thường có hình ảnh những bờ biển lộng gió, các đài kỷ niệm về quá khứ vinh quang của nước Pháp và kêu gọi cử tri nên thực hiện "lựa chọn cho nền văn minh". Ngay cả lúc này, việc thay đổi hình ảnh vẫn tiếp tục diễn ra. Bà đã từ chức lãnh đạo đảng FN ngay khi vượt qua cuộc bỏ phiếu vòng 1, nói rằng bà muốn tăng sức hút cho đảng của mình. Và tuần trước bà đã thông báo rằng mình rất ngưỡng mộ chính trị gia trung hữu Nicolas Dupont-Aignan, và ông này sẽ trở thủ tướng nếu bà đắc cử Tổng thống.
Tuy nhiên, bình mới không giấu được rượu cũ. Le Pen đã tỏ rõ là một người sẵn sàng viết lại lịch sử, khi công khai phủ nhận trách nhiệm của Pháp đối với vụ việc 13.000 người Do Thái bị cảnh sát nước này bắt năm 1942 và đưa đến các trại tập trung của Đức Quốc xã. Bà tố cáo "chủ trương ủng hộ Hồi giáo" là một mối đe doạ cho lối sống Pháp, và cảnh báo về "một chủ nghĩa toàn trị đe dọa đất nước chúng ta". Bà hoan nghênh việc ông Donald Trump đắc cử tại Mỹ như một điều báo hiệu cho những điều đổi thay sẽ đến, đánh dấu "sự kết thúc của một thế giới". Trên thực tế, nếu so với Le Pen, thì Trump lại hóa thành một người ôn hòa.
Bản cương lĩnh bầu cử 144 điểm của bà Le Pen có thể xem như một bản cáo trạng về trật tự toàn cầu sau năm 1945. Mục tiêu của bà là phục hồi lại ranh giới giữa các quốc gia và đồng tiền riêng của từng nước, cũng như tăng cường quyền quản lý nhà nước đối với nền kinh tế. Người nhập cư sẽ bị ngăn chặn, và hàng loạt loại thuế nhập khẩu sẽ được đưa ra nhằm bảo vệ các sản phẩm của Pháp. Thực ra, những biện pháp kiểu này sẽ khiến nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước Pháp tiếp tục tồi tệ hơn nữa.
Thêm vào đó, quan điểm của Le Pen sẽ đi ngược lại sự gắn bó truyền thống của Pháp đối với Liên minh châu Âu (EU). Brexit đã là một đòn nặng nề đối với EU, nhưng khối này vẫn có thể tiến lên phía trước maà không cần nước Anh. Nhưng EU không thể bỏ qua nước Pháp. Một tổng thống Pháp có quan điểm chống lại EU mạnh mẽ như bà Le Pen sẽ là một mối đe dọa đối với tương lai của toàn bộ châu Âu.
Cử tri Pháp có rất nhiều lý do chính đáng để cảm thấy bất mãn. Sau nhiều năm tăng trưởng thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao và nền chính trị bị xáo trộn, họ có quyền cảm thấy thất vọng với các đảng phái chính thống tại Pháp. Nhiều người đã bỏ phiếu cho bà Le Pen để thể hiện sự bất mãn với hệ thống chính trị già nua hiện nay. Điều này giải thích tỷ lệ ủng hộ dành cho bà là khoảng 40%, một con số thể hiện sự bất mãn thật sự.
Tuy nhiên, việc bỏ phiếu cho Le Pen là một lựa chọn sai lầm để thể hiện sự bất mãn này. Việc lựa chọn Macron, một cựu bộ trưởng kinh tế với một số ý tưởng tốt về chính sách, vẫn là một cách tốt hơn cả để cho thấy người dân đã chán chường hệ thống hiện nay như thế nào. Lựa chọn Le Pen sẽ là cực kì rủi ro, và là bước lùi mang tính lịch sử cho cả Pháp và châu Âu.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg