Ảnh: CNBC
Liệu chứng khoán Mỹ đã tạo đáy sau phiên tăng điểm kỷ lục?
Hãy nghĩ về làn sóng bán tháo vì dịch Covid-19 như một ghế 3 chân, nếu một trong những chiếc chân không gắn chặt vào nhau, cả chiếc ghế sẽ bị nghiêng.
Chiếc chân thứ nhất là chính sách tiền tệ. Cụ thể, FED đã giảm lãi suất xuống gần mức 0% và tung ra hàng loạt chương trình nhằm giữ thị trường hoạt động hợp lý, đồng thời cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và cá nhân nhân cần vốn. Tất cả chính sách này chỉ mới được đưa ra trong 2 tuần qua.
Chiếc chân thứ hai là chính sách tài khóa. Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, hoạt động kinh doanh như chững lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Và mới đây, Nhà Trắng và Thượng viện đã nhất trí về gói kích thích tài khóa 2 ngàn tỷ USD.
* Nhà Trắng và các Thượng nghị sĩ nhất trí về gói kích thích trị giá 2.000 tỷ USD
Cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là những sự đảm bảo rằng virus đã được kiểm soát, trong đó số ca nhiễm và tỷ lệ tử vong thay đổi rất ít hoặc giữ nguyên, từ đó mang lại cảm giác mọi thứ có thể trở về trạng thái bình thường.
Cho đến khi điều đó xảy ra, đà tăng hơn 10% như trong phiên ngày 24/03 sẽ đến rồi lại đi, tức thị trường chưa tạo đáy.
Ảnh: CNBC |
Dạo gần đây, tâm lý của nhà đầu tư có phần hoảng loạn khi thị trường chứng khoán Mỹ đột nhiên xóa sạch đà tăng từ lúc ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Nhà đầu tư cảm thấy lo ngại về tình trạng tê liệt kinh tế kéo dài và do đó, họ đã bán đi tất cả tài sản có thể, từ đó tạo tình trạng dư cung nhưng lại chẳng mấy ai mua.
FED đã sử dụng gần như toàn bộ đạn dược về chính sách và còn khởi động lại chương trình hồi khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Chưa hết, cơ quan này còn thêm vào những biện pháp chưa từng xuất hiện trước đây.
Các thành phần tham gia thị trường cho biết họ đánh giá cao nỗ lực của FED, nhưng đà bán tháo vẫn cứ tiếp tục.
Khi Quốc hội Mỹ gần thông qua gói kích thích trị giá 2 ngàn tỷ USD, điều đó sẽ góp phần xoa dịu nỗi lo ngại đang đu bám trong tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, chỉ tung ra chính sách tiền tệ và tài khóa khổng lồ là chưa đủ. Mọi thứ sẽ là vô nghĩa nếu như chiếc chân về y tế không được gắn chặt vào chiếc ghế 3 chân này.
Hãy chờ đợi điểm uốn về số ca lây nhiễm
“Chúng ta sẽ cần nhận thấy chính sách của FED giúp ‘cầm máu’ trên thị trường. Chúng ta cần thấy Quốc hội thông qua gói kích thích. Chúng ta cần nhận thấy rằng những thông tin xấu hiện tại chỉ mang tính tạm thời. Cuối cùng, chúng ta cần nhận thấy số ca lây nhiễm đã vượt qua điểm uốn”, ông Vincent Reinhart, Chuyên gia kinh tế trưởng tại BNY Asset Management, cho hay.
“Thậm chí nếu có các nhà hoạch định chính sách hoàn hảo (tôi không nghĩ vậy), chỉ cần chúng ta không chắc về hướng đi của virus, chẳng ai dám đưa ra cam kết dài hạn cả”, ông nói thêm. “Mọi người sẽ trong thế phòng thủ”.
Thật ra ông Reinhart vừa gắn cái chân thứ 4 vào chiếc ghế. Đó là sự sẵn lòng tiếp nhận hàng loạt thông tin kinh tế tiêu cực, có lẽ là tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái.
Chẳng hạn, số lượng người đăng ký trợ cấp thất nghiệp hàng tuần được dự báo chạm mức 1,5 triệu người vào ngày thứ Năm (26/03), theo các nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Bên cạnh đó, tuần này, Chủ tịch FED khu vực St. Louis James Bullard cho biết tỷ lệ thất nghiệp ngắn hạn có thể lên tới 30% - còn tệ hơn cả cuộc Đại Suy thoái.
Rồi sẽ xuất hiện báo cáo tồi tệ về GDP do tình trạng phong tỏa quốc gia. Theo một số ước tính, GDP Mỹ có thể giảm 20% hoặc tệ hơn.
Dẫu vậy, nhà đầu tư sẽ cần phải tự thuyết phục bản thân rằng đà giảm sẽ chỉ là tạm thời.
Nếu chính sách tài khóa được thông qua, nếu các biện pháp của FED giúp duy trì hoạt động của thị trường và nếu số ca lây nhiễm vượt qua điểm uốn vào quý tới, thì giai đoạn tồi tệ chỉ là tạm thời, ông Reinhart cho biết.
“Rồi kinh tế sẽ phục hồi trong quý 3 và trở lại mạnh mẽ trong quý 4/2020 vì lúc đó chúng ta sẽ có rất nhiều biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ”, ông nói thêm.
Có thể bạn quan tâm:
Nguồn CNBC