Khách du lịch đi ngang qua khu China Town tại Thái Lan. Nguồn: AP

 
Vũ Hạo Thứ Tư | 12/02/2020 08:48

Liệu các nền kinh tế châu Á có thể sống sót trước dịch do virus corona gây ra?

Singapore và Thái Lan là hai nước chịu ảnh hưởng lớn nhất, Malaysia và Việt Nam có thể chịu tác động nhẹ hơn, Indonesia và Philippines ít bị tác động nhất...

Đối với Eilynn Lew, người sáng lập công ty thiết bị phòng tắm Eilumina, đầu năm thường là khoảng thời gian bận rộn với đầy các sự kiện triển lãm thương mại ở châu Âu và các thỏa thuận kinh doanh. Sau đó, cô vội vàng sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, năm nay, cô lại bị chôn chân tại Singapore, không chắc liệu có thể hoàn thành các đơn hàng hay không vì các nhà máy Trung Quốc đang tạm ngưng hoạt động.

Cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đã bị hạn chế nghiêm trọng khi chính quyền cố gắng kìm hãm sự lây lan virus corona từ người sang người. Một số công ty đã hoạt động trở lại và những người khác nói rằng họ sẽ làm như vậy vào tuần tới, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.

Nhưng khi số ca lây nhiễm và số ca tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, các doanh nhân như cô Lew có lý do để lo ngại, không biết khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường. “Nếu họ không thể quay trở lại làm việc trong các nhà máy sớm thì chúng tôi đều gặp nguy cơ”, cô nói.

Kịch bản tồi tệ nhất của cô Lew là sản lượng của nhà máy không thể theo kịp nhu cầu và cô sẽ mất doanh thu và bỏ ra tới 80.000 đô la Singapore (58.600 USD Mỹ) chi phí mỗi tháng. “Chúng tôi chỉ có thể chờ và quan sát, chứ chẳng thể làm gì nhiều”.

Trên khắp khu vực, nỗi lo về sự gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng ngày càng tăng. Nhà phân tích Nonarit Bisonyabut của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan (TDR) cho biết, nếu nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Thái Lan sẽ không thể bán máy tính và linh kiện điện tử, sản phẩm hóa học, cao su và nhựa cho một trong những đối tác thương mại lớn nhất nhiều như trước.

Ở New Zealand, có thông tin cho thấy tình trạng xuất khẩu gỗ tròn bị dừng lại và các công nhân được chỉ thị về nhà, trong khi các lô hàng tôm hùm và tôm càng tươi sống - những mặt hàng sẽ có nhu cầu cao cho các cuộc họp mặt Tết Nguyên đán tại Trung Quốc - đã bị đình chỉ. Virus corona đã lây nhiễm 44.794 người và giết chết 1.112 người - vượt xa đợt bùng phát hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) năm 2003. Trong khi đó, khoảng 4.657 người đã khỏi bệnh.

Số ca lây nhiễm, tử vong và hồi phục từ dịch virus corona. Nguồn: SCMP
Số ca lây nhiễm, tử vong và hồi phục từ dịch virus corona. Nguồn: SCMP

Nhằm hạn chế sự lây lan của căn bệnh, Trung Quốc đã đóng cửa khẩu một số thành phố và cấm du lịch nước ngoài, và các quốc gia từ Mỹ đến Singapore và Australia đang đóng cửa biên giới với khách du lịch từ Trung Quốc đại lục.

Vì Trung Quốc là một “gã khổng lồ” về kinh tế với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần 14 nghìn tỷ USD Mỹ trong năm 2018 - chiếm khoảng 1/5 GDP toàn cầu dựa trên ngang giá sức mua (PPP), theo Ngân hàng Thế giới (WB). Ngoài ra, khi có tới 68 triệu khách Trung Quốc đi du lịch quốc tế trong năm 2019, các quốc gia phải chuẩn bị tâm lý hứng chịu tác động nặng nề đến ngành du lịch, dịch vụ và sản xuất. Thị trường chứng khoán thế giới cũng lao đao.

Chuyên gia kinh tế của Đại học Quốc gia Australia, Warwick Mckibbin, ước tính tác động từ đợt bùng phát virus corona này trên toàn cầu sẽ gấp ba đến bốn lần so với tác động 40 tỷ USD của dịch SARS vào năm 2003, thời điểm GDP của Trung Quốc chỉ bằng 9% GDP toàn cầu. Các nền kinh tế cũng đã hạ dự báo kinh tế, trong lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã là một lực cản đối với tăng trưởng toàn cầu.

Fitch Xếp hạng cho biết nếu đợt bùng phát - lần đầu tiên được ghi nhận vào ngày 31/12/2019 - kéo dài trong ba tháng, tác động kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn so với SARS do tình trạng đóng cửa khẩu và nhà máy tạm ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến ngành dịch vụ.

Dịch SARS kéo đến trong quý đầu năm 2003 và khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 2 điểm phần trăm trong quý 2/2003 thì kinh tế Singapore, Hồng Kông và Đài Loan đã giảm tới 4 điểm phần trăm, theo công ty môi giới chứng khoánMaybank Kim Eng. Phần còn lại của ASEAN không bị ảnh hưởng nặng nề như thế, nhưng Thái Lan và Malaysia tăng trưởng chậm hơn.

Các nhà nghiên cứu Nomura dự báo tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc trong quý 1/2020 sẽ giảm lớn hơn 2 điểm phẩn trăm như hồi dịch SARS, trong khi các chuyên gia kinh tế Bloomberg kỳ vọng tăng trưởng quý 1/2020 của Trung Quốc giảm xuống 4,5%.

Trong báo cáo tháng 1/2020, Maybank Kim Eng cho biết Singapore và Thái Lan có khả năng bị t động mạnh nhất trong khối ASEAN, vì họ có thị trường cởi mở hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào ngành thương mại và du lịch Trung Quốc. Họ cho biết Malaysia và Việt Nam có thể chịu tác động yếu hơn, trong đó Indonesia và Philippines ít bị tác động nhất.

DBS Bank tại Singapore cho biết họ đã giảm dự báo GDP thực năm 2020 từ 1,4% xuống 0,9%, khi xét tới tác động của dịch virus corona đến tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp, ngành du lịch và chuỗi cung ứng khu vực.

Điểm uốn?

Alex Feldman, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-ASEAN, cho biết các doanh nghiệp Mỹ lo lắng về tác động kinh tế từ sự bùng phát của virus corona.

 “Cũng như cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung, các chuỗi cung ứng không thể ‘lành lại’ chỉ sau một đêm”, ông chia sẻ. “Bạn không thể ‘bưng’ một nhà máy trị giá hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ USD và đặt nó xuống một nơi khác. Những thứ này cần có thời gian để xây dựng, bất động sản cần có thời gian để có được, và cũng mất thời gian để xin giấy phép. Vì vậy, tình trạng này càng kéo dài, sẽ có nhiều tác động hơn. Hiện đã có tác động tới các nền kinh tế”.

Giữa những lo lắng khôn nguôi, một số nhà phân tích cho rằng dịch bệnh này sẽ chỉ có tác động ngắn hạn đối với các nền kinh tế châu Á. Nhà phân tích người Thái Lan Nonarit cho biết ông dự kiến tình hình sẽ được kiểm soát trong 6 tháng. Mặc dù virus này dễ lây lan hơn so với SARS, nhưng có nguy cơ tử vong thấp hơn và Chính phủ Trung Quốc chia sẻ nhiều thông tin hơn so với cuộc khủng hoảng SARS”.

Bà Aksornsri Phanishsarn, Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Thammasat, cho rằng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một - vốn tạo tiền đề cho mối quan hệ suôn sẻ hơn giữa hai siêu cường này - sẽ giảm thiểu tác động của dịch virus corona.

Khi Trung Quốc vật lộn với SARS trong năm 2003, họ vẫn đạt mức tăng trưởng GDP 10% trong năm đó, bà nói.

Người du lịch đeo khẩu trang trong sân bay. Nguồn: SCMP
Người du lịch đeo khẩu trang trong sân bay. Nguồn: SCMP

Ông Jareeporn Jarukornsakul, giám đốc điều hành của nhà phát triển bất động sản công nghiệp WHA Group, chỉ ra rằng các thỏa thuận cơ sở hạ tầng và việc di dời các công ty Trung Quốc sang Thái Lan là các dự án dài hạn và không bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát virus mới.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã cắt giảm lãi suất chính sách xuống mức thấp kỷ lục, cùng với đó, Thống đốc NHTW viện dẫn lý do tình trạng khẩn cấp về dịch corona. Trong khi, NHTW Singapore vẫn duy trì triển vọng chính sách.

Mặc dù không rõ khi nào sự lây nhiễm virus corona sẽ lên đến đỉnh điểm, nhưng các nhà kinh tế cho rằng việc các Chính phủ thực hiện kiểm soát biên giới là một dấu hiệu tích cực cho thấy virus có thể được ngăn chặn.

Maybank Kim Eng hy vọng rằng sự tăng trưởng của Singapore sẽ hồi phục trong quý thứ 2/2020 khi dịch bệnh được kiểm soát và Chính phủ nới lỏng kiểm soát biên giới.

Chuyên gia kinh tế của CIMB, Song Seng Wun cho biết: “Kinh tế sẽ phục hồi mạnh theo hình chữ V”. “Mong là chúng ta có thể kiểm soát được dịch bệnh trong quý đầu tiên và chứng kiến sự phục hồi trong quý 2/2020”.

Trong đại dịch SARS, tác động tiêu cực đến GDP phần lớn chỉ giới hạn ở một quý. Các nền kinh tế bị giảm 4 điểm phần trăm trong quý 2/2003 và sau đó đã phục hồi trở lại trong quý 3, trong đó Singapore, Hồng Kông và Đài Loan tăng trưởng lần lượt 5,6 điểm phần trăm, 4,6 điểm phần trăm và 6,6 điểm phần trăm.

Nhưng nhà kinh tế học của DBS, Irvin Seah nói rằng còn quá sớm để “nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”, vì tình hình đang rất lỏng lẻo.

“Chúng tôi không biết nó sẽ kéo dài bao lâu hoặc nghiêm trọng đến mức nào”, ông nói, đồng thời thêm rằng sự gia về số ca lây nhiễm sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người dân, và từ đó làm tổn hại đến chi tiêu của người tiêu dùng, nhu cầu trong nước, như là cũng như năng suất khi người lao động có thể phải ở nhà. “Nếu vậy, tác động kinh tế sẽ lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta hiện đang thấy bởi vì đây sẽ không phải là vấn đề riêng của Trung Quốc, đây sẽ trở thành một vấn đề trong khu vực hoặc toàn cầu”.

Đó sẽ là điểm khiến ông Darren Lum, Giám đốc của Star Engineers United tại Myanmar, tỏ ra lo lắng.

Hiện tại, ông cho biết hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng vì lực lượng lao động của ông là người địa phương và các nguyên vật liệu đầu vào cũng có nguồn gốc từ bên trong Myanmar. Ông làm ăn với các nhà thầu Trung Quốc – những người giao việc cho công ty của ông, nhưng nói rằng các cuộc thảo luận về kinh doanh có thể được thực hiện từ xa.

Trong khi đó, các công ty châu Á có hoạt động tại Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài cắn răng chịu đựng và giữ thái độ tích cực.

Nguồn SCMP