Thứ Hai | 29/12/2014 16:45

Liệu AirAsia có phá sản sau vụ QZ8501?

Theo giới chuyên gia, vụ mất tích máy bay của hãng hàng không AirAsia sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu dài hạn của ngành dịch vụ hàng không giá rẻ.

Giám đốc vận tải Châu Á K Ajith của UOB Kay Hian cho biết vụ mất tích máy bay không phải là dấu chấm hết cho ngành hàng không giá rẻ, dù trong ngắn hạn sẽ có những lo ngại từ khách hàng nhưng ngành này sẽ phục hồi lại nhanh chóng, cũng giống như thời kỳ hậu các vụ khủng bố.

Cũng đồng ý với quan điểm trên, CIMB cho rằng nhu cầu sử dụng dịch vụ của AirAsia tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia sẽ bị giảm mạnh trong vòng 3 tháng tới. Theo ngân hàng CIMB thì nếu như không có tai nạn thứ 2 nào xảy ra trong tương lai gần thì với lịch sử bay khá an toàn của hãng AirAsia cùng những dịch vụ thương mại hấp dẫn có thể hạn chế sự lây lan sợ hãi trong hành khách và đảm bảo sự phục hồi nhanh chóng trong nhu cầu dịch vụ hàng không giá rẻ.

Một đại diện tại đại lý bán vé của AirAsia thuộc sân bay Singapore Changi cho biết chưa có việc hủy vé hàng loạt của khách hàng sau khi có thông tin về vụ QZ8501 và các hành khách vẫn tự tin sử dụng dịch vụ của hãng này.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Indonesia cho biết chính phủ sẽ xem xét và kiểm tra hoạt động của hãng AirAsia chi nhánh Indonesia.

 

Chiếc máy bay QZ 8501 biến mất khỏi màn hình radar vào sáng sớm ngày Chủ nhật (28/12) theo giờ địa phương sau khi khởi hành từ thành phố Subaraya, thành phố lớn thứ 2 Indonesia. Chiếc máy bay QZ8501 này thuộc hãng hàng không Indonesia AirAsia, với 49% cổ phần thuộc sở hữu của hãng hàng không giá rẻ Malaysia AirAsia.

Tập đoàn AirAsia, với các công ty con trên toàn Đông Nam Á, là một trong những hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng trong khu vực với giá vé thường ở mức thấp. Tuy nhiên, vụ bi kịch hôm Chủ nhật (28/12) đã tạo nên một cuộc kiểm tra năng lực lãnh đạo đối với Giám đốc điều hành Tony Fernandes, một người nổi tiếng và thường được so sánh với tỷ phú lập dị Richard Branson của tập đoàn Virgin.

Theo CIMB, tốc độ hồi phục của AirAsia sẽ tùy thuộc rất lớn vào phải mất bao lâu để tìm thấy chiếc máy bay, cho dù trong tình trạng nào đi nữa, và hiệu quả của việc quan hệ công chúng của công ty AirAsia cũng như những nỗ lực hàn gắn vết thương sau tai nạn. Bên cạnh đó, sự nhận thức của công chúng về nguyên nhân gây ra tai nạn cũng rất quan trọng, ví dụ như do thời tiết xấu hay do lỗi của phi hành đoàn. Các vấn đề liên quan đến chi phí khiếu nại và cứu hộ sẽ ít được quan tâm hơn do những chi phí này đã được bảo hiểm.

Các tính toán của CIMB cho thấy với 1% suy giảm trong lượng hành khách của AirAsia Indonesia, Malaysia và Thái Lan năm 2015 sẽ tương đương với việc suy giảm 13% lợi nhuận ròng trong năm 2015.

Lịch sử an toàn bay của AirAsia

Vụ QZ8501 đánh dấu một sự kiện quan trọng trong việc để lại một “vết sẹo” trên hồ sơ bay an toàn của AirAsia kể từ năm 2002. Sau khi biết tin vụ mất tích thuộc về một hãng hàng không giá rẻ, các chuyên gia đã ngay lập tức đặt ra nghi vấn về lịch sử bay an toàn của các hãng hàng không giá rẻ so với các hãng hàng không cao cấp khác.

Theo Giám đốc hàng không vũ trụ, quốc phòng và an ninh tại Châu Á-Thái Bình Dương Subhranshu Sekhar Dash của Frost và Sullivan, các phi công đều được đào tạo dựa trên những nguyên tắc và quy định quốc tế, do đó không có sự khác biệt giữa phi công hãng hàng không giá rẻ AirAsia và phi công các hãng khác. Tất cả phải xem xét tùy thuộc vào tình hình thực tế, bao nhiêu kinh nghiệm mà phi công đó có, phản ứng của phi công như thế nào đối với các trục trặc kỹ thuật.

Hai phi công lái QZ8501 là Cơ trưởng Iriyanto, quốc tịch Indonesia, và Cơ phó thứ nhất Remi Emmanual Plesel, quốc tịch Pháp. Cả hai phi công đều có kinh nghiệm hơn 8.000 giờ bay.

Việc CIMB chỉ ra hãng hàng không AirAsia Indonesia có lịch sử bay an toàn là một lợi thế cho công ty này khi một số hãng hàng không giá rẻ khác có hồ sơ không được như vậy. Liên minh Châu Âu chỉ cho phép 5 hãng hàng không giá rẻ được bay tới đây bao gồm: Garuda Indonesia, Airfast Indonesia, Mandala Airlines, Ekspres Transportasi Antarbenua và Indonesia Air Asia.

Trong khi các chuyên giá cố gắng để xác định nguyên nhân máy bay mất tích thì những thông tin về việc thời tiết xấu đang là chủ đề chính gây tranh cãi khi có một cơn bão trên đường đi của chiếc máy bay này.

Theo cựu cố vấn an ninh Peter Reiss của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), việc mô phỏng huấn luyện cho các phi công trong các tình huống gặp trục trặc là rất quan trọng. Trong 35 năm làm phi công, ông Reiss chỉ gặp vài trường hợp bất ổn nghiêm trọng và những gì ông học được qua đào tạo đã giúp đỡ ông rất nhiều trong những tình huống đó. Chuyên gia Reiss cũng cho răng các phi công không bao giờ chủ động bay vào một cơn bão và những phi công của QZ8501 cũng như vậy, do đó các quan chức hẳn sẽ rất ngạc nhiên nếu nguyên nhân thời tiết là thủ phạm của tai nạn trên.

 

Cổ phiếu của công ty AirAsia đã giảm 12% trong đầu phiên 29/12 và chuyên gia K Ajith của UOB Kay Hian dự đoán cổ phiếu công ty này sẽ còn giảm mạnh đến 15% trong phiên 29/12. CIMB khuyến cáo các nhà đầu tư rằng việc giảm giá mạnh này là cơ hội tốt để đầu tư vào ngành hàng không khi giá cổ phiếu đã xuống mức hấp dẫn là 2,4 RM.

Nguồn NDH