Thứ Ba | 05/11/2013 09:34

Liên minh Ngân hàng: Cái giá phải trả cho "vạn điều tốt"

Liên minh Ngân hàng tại châu Âu, một ý tưởng đẹp trên giấy với vô vàn thách thức từ sự thiếu thống nhất và chia rẽ về mặt chính trị.

Viễn cảnh tươi đẹp

Cứ theo như những gì mà các nguyên thủ quốc gia hứa hẹn thì Liên minh Ngân hàng (banking union) chính là giải pháp tuyệt vời để từ giờ trở đi, các công dân tại Châu Âu có thể “kê cao gối ngủ” mà không phải lo đến các khoản đầu tư của mình nữa. Bởi lẽ các ngân hàng của họ sẽ được giám sát chặt chẽ “tận chân răng” và trong trường hợp chẳng may ngân hàng phá sản, họ sẽ được Liên minh Ngân hàng đứng ra bảo đảm bồi thương khoản tiền lên đến 100.000 euro. Chẳng phải là điều tuyệt vời sao?

Thế nhưng liệu điều đó có trở thành hiện thực? Một liên minh như vậy sẽ đòi hỏi những điều kiện chính trị khó khăn và ngặt nghèo đến mức, rất khó có thể đảm bảo sự thống nhất giữa các quốc gia. Điều nay đưa chúng ta quay trở lại vào thời điểm đồng tiền chung châu Âu ra đời. Đó là khi những người đứng đầu các quốc gia cũng đã lạc quan tin rằng chỉ cần những quyết định là đúng đắn và hợp lý thì khỏi lo đồng thuận về chính trị không đạt được. Và kết quả là thay vì một khối kinh tế thống nhất và thịnh vượng chung, Eurozone giờ đây đang phải đối mặt với những chia rẽ ngày càng trầm trọng. Một mặt, những quốc gia phát triển hơn ở Bắc Âu từ chối tài trợ cho khu vực kém phát triển hơn ở phía Nam. Mặt khác, sự cạnh tranh đang gia tăng giữa các quốc gia nội khối đang làm lung lay những lập luận về một sự đoàn kết chung. .

Quả thật, chính từ những “nền tảng vững chắc” như vậy của liên minh tiền tệ mà giờ đây, các ngân hàng lại mơ ước một sự thịnh vượng sẽ nảy nở từ sự đoàn kết về tài chính. Lại một lần nữa, Brussels tin rằng, có thể đặt kinh tế trên nền tảng chính trị. Và lần này, liệu họ có dẫm lên vết xe đổ của lần trước?

Một cơ chế chung cho tất cả

Liên minh Ngân hàng được thành lập sẽ tạo nên một cơ chế chung cả về giám sát các ngân hàng và giải quyết hậu quả nếu một ngân hàng lâm vào tình cảnh nguy hiểm. Đầu tiên phải kể đến cái gọi là “Cơ chế giám sát duy nhất” (MUS). Nghị viện châu Âu và các Bộ trưởng Tài chính của 28 nước thành viên EU sẽ trao cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vai trò giám sát viên của tất cả ngân hàng trong khu vực. Chỉ trừ tại Anh, nơi mà London dĩ nhiên sẽ đi “một mình một đường” như bấy lâu nay.

Câu hỏi đặt ra là liệu người giám sát mới có tốt hơn người cũ trong việc phát hiện những “vết đen” ở các ngân hàng hay không? Vì ắt hẳn nhiều người còn nhớ, những ngân hàng tại Ireland đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra “stress test” của ECB ngay trước khi sụp đổ. Một sự sụp đổ trong cái nhìn mỉa mai dành cho cơ chế giám sát của ECB. Cũng hơn 1 tuần trước, vào ngày 23/10, ECB đã đưa ra kế hoạch rà soát 128 ngân hàng trong eurozone, bắt đầu từ tháng 11 này và kéo dài đến tháng 9 năm sau.

Vấn đề là, nếu lần thanh tra tới đây phát hiện ra những u nhọt cần được cắt bỏ, thì nó sẽ được thực hiện như thế nào? Đó là nhiệm vụ của cơ chế được coi như trụ cột thứ hai của Liên minh Ngân hàng: “Cơ chế giải quyết duy nhất” hay là sự phá sản có trật tự của các ngân hàng. Có nghĩa là từ giờ, sự phá sản của một ngân hàng sẽ không còn thuộc thẩm quyền của một quốc gia như trước, mà sẽ là nhiệm vụ của Liên minh.

Khu vực đồng Euro vẫn cẩn phải thận trọng chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất như tái cơ cấu hay phá sản. Những ngân hàng ở Châu Âu vẫn còn thiếu vốn. Chỉ riêng những khoản thiệt hại tiềm năng của hệ thống ngân hàng Italia và Tây Ban Nha đã có thể lên đến 230 triệu euro trong vòng 24 tháng, theo ước tính của IMF. Quỹ tiền tệ thế giới cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc củng cố “niềm tin của các nhà đầu tư vào bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng trong khu vực” và liên minh ngân hàng được coi như một giải pháp hợp lý cho vấn đề đặt ra.

Tuy nhiên, việc thành lập Liên minh Ngân hàng đang bị đe dọa chính bởi những lợi ích mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực. Ý tưởng thành lập một quỹ riêng do các ngân hàng đóng góp để giải quyết những hậu quả của việc vỡ nỡ đặc biệt có ý nghĩa đối với các quốc gia đang bị nợ nần của khối ngân hàng đe dọa. Nó sẽ giúp cắt đứt mối liên kết nguy hiểm tồn tại bấy lâu giữ rủi ro tín dụng và rủi ro chủ quyền. Các chính phủ sẽ không còn phải chồng chất thêm nợ công để cứu các ngân hàng nữa. Tuy nhiên để đạt được điều đó, theo Berlin thì trước tiên cần phải thay đổi chính Hiệp ước EU, bởi vì hiện tại quyền quyết định vẫn nằm trong tay chính phủ các quốc gia. Và kể cả khi điều đó được thực hiện, vẫn cần một khoảng thời gian để quỹ phát huy tác dụng, mà theo dự kiến có lẽ phải đến năm 2025.

Trong khi chờ đợi, Liên minh Châu Âu đã chuẩn bị một phương án khác với cái tên “Cơ chế Ổn định Châu Âu” ( EMS). Cơ chế này sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng đang gặp khó khăn bằng một khoản cho vay 500 tỷ euro với lãi suất ưu đãi trên thị trường.

Nhưng dù có giải quyết theo phương án nào đi nữa thì khi một ngân hàng lâm vào nguy hiểm, sự can thiệp chính trị là không thể tránh khỏi. Sự can thiệp đó sẽ đến từ phía các quốc gia hoặc từ phía các ngân hàng còn đang “khỏe mạnh”. Đây cũng chính là điểm gây chia rẽ trong các nhà lãnh đạo của khu vực: Trong khi Đức không hè muốn các quỹ tiết kiệm của mình phải gồng mình lên cứu các tổ chức tín dụng đang “ngắc ngoải” của Hy Lạp hay Tây Ban Nha thì Pháp, nơi có các ngân hàng là chủ nợ chính của Hy Lạp, lại nhìn Liên minh Ngân hàng dưới góc độ một rủi ro tài chính san sẻ chung cho cả khu vực.


Nguồn Nouvel Economist/Dân Việt


Sự kiện