Liên minh Mỹ - vùng Vịnh rạn nứt
Chủ đề chính của Hội nghị là thảo luận các vấn đề “chống khủng bố, an ninh hàng hải, an ninh tin học và hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo”, trong bối cảnh các cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran.
Tuy nhiên, Hội nghị này đã bị nguyên thủ đa số nước vùng Vịnh tẩy chay. Trong số 6 quốc vương vùng Vịnh được mời, chỉ có đích thân nguyên thủ Qatar và Koweit tới Mỹ tham dự.
Sự kiện đặc biệt gây chú ý là việc hồi cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út chính thức thông báo, quốc vương Ả Rập Xê Út từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ với lý do quốc vương Salman ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước, trong đó có việc theo dõi thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen có hiệu lực từ hôm nay 12/5. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng đây rõ ràng là dấu hiệu không tốt. Ả Rập Xê Út – đối thủ của Iran – được cho là đặc biệt lo ngại trước khả năng quốc tế dỡ bỏ trừng phạt đối với nước này.
Cho dù các cuộc gặp trù bị cho thượng đỉnh đã diễn ra, nhưng chắc chắn các cuộc họp đã không có hiệu quả như phát biểu của Nhà Trắng. Các quốc gia vùng Vịnh không che giấu thực tế này. Sáu nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hy vọng có được với Mỹ một hiệp định quốc phòng chung, để đối trọng lại với thỏa thuận sắp đạt được giữa Iran và khối 5+1 (gồm năm thành viên Hội đồng Bảo an và Đức). Tuy nhiên, một hiệp định đi ngược lại quyền lợi của Israel sẽ không có hy vọng được thông qua, do sự phản đối của Hạ viện Mỹ, đa số thuộc đảng Cộng hòa. Một thỏa thuận như vậy do đó không nằm trong lịch trình của thượng đỉnh.
Việc bán vũ khí cũng là một chủ đề gây căng thẳng khác. Washington từ chối bán một số thiết bị quân sự tối tân cho các nước Ả Rập. Và điều này cũng do không muốn Israel bực tức. Như vậy, rõ ràng là Phủ Tổng thống Mỹ sẽ phải có nhiều nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Phương Linh
Theo Reuters,WSJ