Liên minh Kinh tế Á-Âu sẽ là trung tâm kinh tế mới?
Các nhà lãnh đạo Nga, Belarus và Kazakhstan ngày 29/5 vừa qua đã ký thỏa thuận thành lập Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) và sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2015, sau khi Quốc hội ba nước tham gia thông qua.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại được thiết lập từ khi Nga, Belarus và Kazakhstan có bước đi đầu tiên là thành lập một liên minh hải quan vào năm 2010.
Theo thỏa thuận được ký kết, ba quốc gia thành viên Nga, Belarus và Kazakhstan có nghĩa vụ đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực cũng như phối hợp chính sách đối với những ngành kinh tế lớn. Trong EEU, tất cả quyết định quan trọng sẽ được cùng nhau thông qua trong sự hợp tác chặt chẽ với chính sách kinh tế của các quốc gia thành viên.
Với tiềm lực dồi dào ...
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay lợi ích chung từ việc hội nhập kinh tế của các nước EEU đã diễn ra trên thực tế, với một cơ cấu thương mại tốt hơn, tỷ trọng hàng hóa công nghệ cao lớn hơn và năng lực cạnh tranh của cả ba nước trong nền kinh tế thế giới đều được nâng cao.
Theo ông Putin, lãnh đạo ba nước đã thảo luận về các cách thức sử dụng tiềm năng của EEU để đẩy mạnh các dòng vốn đầu tư và thương mại, tăng cường hợp tác công nghệ và công nghiệp, cũng như cải thiện môi trường kinh doanh.
Tổng giá trị của ba nền kinh tế Nga, Belarus và Kazakhstan trong năm 2013 đã vượt con số 2.200 tỷ USD trong khi tổng sản lượng công nghiệp lên tới 1.500 tỷ USD. Dự đoán, tổng GDP của Nga, Belarus và Kazakhstan vào năm 2030 sẽ tăng thêm khoảng 900 tỷ USD, nhờ các tác động tích cực từ việc hội nhập kinh tế thông qua EEU.
Số liệu thống kê của Ủy ban Á - Âu (cơ quan điều hành Liên minh Hải quan và Không gian Kinh tế Chung) cho hay, tổng kim ngạch thương mại giữa Nga, Belarus và Kazakhstan đạt 64 tỷ USD năm 2013, giảm so với mức 67 tỷ USD năm 2012.
Trong ba năm qua, kim ngạch thương mại của Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan đã tăng 50% (tương đương 23 tỷ USD) lên 66,2 tỷ USD trong năm 2013. Giá trị trao đổi thương mại của Nga với Belarus và Kazakhstan đứng thứ 3 trong tổng cán cân thương mại của Nga, chỉ sau Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.
Với vị thế nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới hiện nay, Nga sẽ giữ vai trò "hạt nhân" của EEU. Năm 2013, thâm hụt ngân sách và nợ chính phủ của Nga chỉ ở các mức tương đương 1,3% GDP và 13% GDP, thấp hơn nhiều so với các mức 3,3% GDP và 87% của EU. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tài khoản vãng lai của Nga dự kiến thặng dư ở mức tương đương 2,1% GDP năm 2014. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga hiện ở mức 5,4%.
Trong một thập niên trước khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu xảy ra vào năm 2008, kinh tế Nga tăng trưởng trung bình 7%/năm nhờ giá dầu và khí đốt tăng cao. Mặc dù mức tăng trưởng của kinh tế Nga sau năm 2009 không còn ấn tượng như trước, khi chỉ đạt 4% trong giai đoạn 2010-2012, song quốc gia "có chân" trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS này đang có sự hồi phục ổn định và một triển vọng rất khả quan.
Trong khi đó, Kazakhstan là một quốc gia có mức thu nhập trung bình trên với GDP bình quân đầu người đạt gần 13.000 USD năm 2013. Với nhu cầu trong nước mạnh mẽ, sản lượng dầu mỏ tăng và sản lượng nông nghiệp hồi phục, kinh tế của Kazakhstan tăng trưởng 6% năm 2013, so với mức 5% năm 2012. Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo của Kazakhstan đã giảm từ 41% năm 2001 xuống còn 4% năm 2009 (tính theo chuẩn nghèo của quốc tế).
Điều đáng lưu ý là mục tiêu phát triển và gia nhập nhóm 30 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới vào năm 2050 của Kazakhstan sẽ phụ thuộc vào khả năng chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên sang mô hinh tăng trưởng cân bằng hơn và thực hiện tiến trình hiện đại hóa xã hội để đạt được sự tăng trưởng toàn diện và cải thiện nhanh hơn các thành tựu xã hội.
Thành viên còn lại của EEU là Belarus cũng có những thành tựu kinh tế rất đáng chú ý. Thâm hụt thương mại của Belarus đã cải thiện từ mức 13,5% GDP năm 2010 xuống còn 3% GDP năm 2011, và chuyển sang trạng thái thặng dư 4,6% GDP năm 2012. Còn tài khoản vãng lai của Belarus cũng giảm từ mức thâm hụt 9,4% GDP năm 2011 xuống còn không đầy 3% GDP năm 2012. Kinh tế Belarus dự kiến tăng trưởng 3,3% năm 2014 với động lực chủ chốt là thương mại bán lẻ dự kiến tăng tới 18,2%.
Nhìn chung, tiến trình hội nhập kinh tế về lâu dài mang lại cơ hội lớn cho cả ba nước thành viên EEU. Cụ thể, việc tham gia EEU rất có lợi đối với Belarus khi các khoản tiền tiết kiệm từ hoạt động mua bán dầu khí với Nga có thể tương đương 10% giá trị nền kinh tế của nước này (và có thể lên tới 15% trong thời gian tới).
... EEU sẽ là trung tâm kinh tế mới?
Phát biểu trước lễ ký kết thỏa thuận thành lập EEU tại thủ đô Astana của Kazakhstan, Tổng thống Putin ngày 29/5 cho hay đây là một thỏa thuận có ý nghĩa đặc biệt và quan trọng. Trong khi đó, theo Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, liên minh mới này sẽ là “một cầu nối giữa Phương Đông và Phương Tây.”
Hiệp ước về EEU đã đưa Nga, Kazakhstan và Belarus lên một tầm cao hội nhập hoàn toàn mới. Ông Putin nhấn mạnh rằng EEU bảo đảm sự hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn và tạo ra một trung tâm kinh tế mạnh mẽ và hấp dẫn, một thị trường lớn trong khu vực với tổng dân số hơn 170 triệu người. Các nước EEU sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, trong đó chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ của thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, Nga, Belarus và Kazakhstan có ngành công nghiệp phát triển, tiềm năng mạnh mẽ vể nhân lực và văn hóa. Vị trí địa lý chiến lược cho phép Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập những tuyến đường vận chuyển hậu cần thuận lợi, không chỉ mang ý nghĩa khu vực mà cả trên toàn cầu, kết nối về mình những dòng chảy thương mại lớn của châu Âu và châu Á.
Các thành viên EEU sẽ thực hiện chính sách phối hợp trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế là ngành năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp và giao thông vận tải. Công dân của các nước thuộc EEU sẽ có thể làm việc tại bất kỳ quốc gia nào trong phạm vi liên minh này mà không phải qua những thủ tục quan liêu phức tạp không cần thiết.
Nga, Belarus và Kazakhstan nhất trí giảm thiểu thuế quan đối với hàng hóa của nhau và các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận với thị trường dịch vụ chung. Tại thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khủng hoảng kéo dài, hoạt động chung trong khuôn khổ một tổ chức lớn của khu vực sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.
Theo Giám đốc Viện các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Konstantin Zatulin, không thể phủ nhận tầm quan trọng của liên minh này cao hơn nhiều so với vai trò của từng quốc gia đơn lẻ. Điều này có nghĩa rằng những thành viên tham gia liên minh nhất trí, từ những quan điểm lập trường phối hợp, sẽ có thể tiến hành đàm phán với các hiệp hội kinh tế khác trên thế giới.
Với việc tăng cường hội nhập kinh tế trong không gian giữa EU và khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng, các nước thành viên EEU đã thành lập một khối kinh tế mới, có khả năng đem lại một mô hình hợp tác bình đẳng hơn và đa trung tâm cho nền kinh tế thế giới. EEU sẽ là khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á, và sẽ là một cấu trúc mở và bất kỳ quốc gia nào, không chỉ những nuớc thuộc CIS hay Liên minh Hải quan, đều có thể tham gia.
Hiện tại, hai quốc gia Trung Á là Armenia và Kyrgyzstan (với giá trị nền kinh tế tương ứng 20 tỷ USD và 13 tỷ USD) dự kiến sẽ tham gia EEU vào cuối năm nay còn một ứng viên tiềm năng khác là Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi Trung Quốc dự định tăng cường hợp tác với các nước EEU trong việc trao đổi thông tin hải quan đối với hàng hóa và dịch vụ, Ấn Độ và Israel cũng đề xuất thiết lập chế độ thương mại ưu đãi với EEU.
Như vậy, sự quan tâm nói trên của một số nền kinh tế, trong đó có cả các nước mới nổi lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, là minh chứng rõ ràng cho thấy triển vọng trở thành một thế lực kinh tế mới trên trường quốc tế của EEU hoàn toàn không phải là "hữu danh vô thực."
Theo các nhà kinh tế, sự hình thành EEU sẽ cho phép các nước tham gia tiến đến tầm cao hội nhập kinh tế mới. Nga, Belarus, Kazakhstan cam kết tuân thủ các quy định tự do hàng hóa, dịch vụ, vốn, nguồn nhân lực và thực thi một chính sách điều phối trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông.
Một thị trường chung lớn nhất sẽ được hình thành trong không gian các nước hậu Liên Xô và EEU dự kiến là một trung tâm kinh tế hùng mạnh trong tương lai.
Nguồn Vietnamplus