Thủ tướng Anh - Theresa May và Chủ tịch Hội đồng châu Âu - Donald Tusk. Ảnh: Metro.

 
Mạnh Đức Thứ Sáu | 22/03/2019 08:10

Liên minh châu Âu đồng ý gia hạn thời điểm "ly hôn" với nước Anh

Theo kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU), nếu Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận ly hôn, Anh sẽ rời EU vào ngày 22.5, thay vì ngày 29.3.

Liên minh châu Âu đã đồng ý trì hoãn quá trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) để tránh một Brexit không có thỏa thuận và cung cấp cơ hội cuối cùng cho Thủ tướng Anh, Theresa May.

Sau nhiều giờ đàm phán kéo dài đến tận đêm khuya tại Brussels, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối đề xuất của bà May về việc trì hoãn Brexit và áp đặt thời gian biểu của riêng họ.

Thỏa thuận sửa đổi đã được hai bên thống nhất sau một hội nghị thượng đỉnh căng thẳng, trong đó bà May dường như đã không thể thuyết phục được các nhà lãnh đạo EU rằng bà có thể thuyết phục các nhà lập pháp Anh thông qua thỏa thuận Brexit tổng thể vào tuần tới và do đó tránh được Brexit không thỏa thuận vào ngày 29.3.

Theo kế hoạch của EU, nếu Hạ viện thông qua thỏa thuận ly hôn, Anh sẽ rời EU vào ngày 22.5. Nhưng nếu thỏa thuận lại bị từ chối một lần nữa, Anh sẽ bị trì hoãn Brexit vô điều kiện cho đến ngày 12.4 để đưa ra một đề xuất mới cho một cách thoát khỏi bế tắc.

Trong kịch bản đó, nếu Anh đồng ý tham gia cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 5, nhiều khả năng Brexit sẽ được gia hạn thêm vài tháng nữa.

"Điều này có nghĩa là cho đến ngày đó, tất cả các lựa chọn sẽ vẫn để ngỏ", Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, ông Donald Tusk, nói.

Bà May, người đã tới Brussels với mong muốn gia hạn thời hạn Brexit cho đến ngày 30.6, cho biết bà hoan nghênh quyết định của hội đồng. Bà nói rằng bà sẽ trở lại Vương quốc Anh vào ngày 22.3, nơi bà sẽ "nỗ lực hết sức để đảm bảo rằng chúng tôi có thể rời đi với một thỏa thuận và đưa đất nước chúng tôi tiến lên."

Liên minh châu Âu đã cho bà May thêm thời gian. Bây giờ, bà sẽ phải thuyết phục các nhà lập pháp Vương quốc Anh ủng hộ thỏa thuận của mình tại Quốc hội, nơi bà phải đối mặt với một trận chiến khó khăn - đặc biệt là sau khi bà làm phật lòng nhiều người khi đổ lỗi cho họ về sự hỗn loạn của Brexit trong một tuyên bố không khoan nhượng ở Phố Downing vào ngày 20.3. Các thành viên của Nghị viện Anh đã từ chối thỏa thuận mà bà đề xuất hai lần - lần đầu tiên với số phiếu chống kỷ lục là 230, và tuần trước là 149.

Nhiều quan chức hoài nghi liệu rằng May có thể thuyết phục Hạ viên Anh thông qua thỏa thuận của bà lần thứ ba hay không. Sau bài phát biểu nhận nhiều chỉ trích ở phố Downing hôm 20.3 khi bà đổ lỗi cho các nhà lập pháp Anh vì sự bế tắc của Brexit, bà May đã thừa nhận ra mình rất thất vọng.

"Tôi biết rằng các nghị sĩ cũng thất vọng. Đó là một công việc khó khăn. Tôi hy vọng tất cả chúng ta có thể đồng ý, chúng ta đang ở thời điểm quyết định."

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện của người lao động rất tức giận vì bà May đã đưa Vương quốc Anh đến gần bờ vực không có thỏa thuận. Công đoàn Anh và Liên đoàn Công nghiệp Anh – hai cơ quan người đại diện cho 5,6 triệu công nhân và 190.000 doanh nghiệp - đã phát hành một bức thư ngỏ chung, thúc giục bà May thay đổi cách tiếp cận của mình với Brexit.

"Đất nước chúng ta đang đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia", người đứng đầu hai tổ chức trên là bà Frances O'Grady và bà Carolyn Fairbairn nhận định.  Hai bà nói thêm: "Những quyết định gần đây đã khiến nguy cơ không có thỏa thuận tăng cao. Các công ty và cộng đồng trên khắp Vương quốc Anh chưa sẵn sàng cho kết quả này. Cú sốc đối với nền kinh tế của chúng ta sẽ đè năng lên các thế hệ tiếp".

Nguồn CNN