Liên Hợp Quốc cảnh báo tình trạng già hóa dân số toàn cầu
Báo cáo trên được rút ra từ nghiên cứu do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và hiệp hội HelpAge International phối hợp thực hiện. Nghiên cứu không những kêu gọi chính phủ các nước trên toàn thế giới phải nhanh chóng tìm biện pháp đối phó với tình trạng già hóa, mà còn kêu gọi cải thiện hệ thống y tế để chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.
Báo cáo ước tính cứ 9 người trên thế giới lại có một người trên 60 tuổi, tương đương có 810 triệu người cao tuổi trên tổng số 7 tỷ dân.
Theo dự đoán, trong thập kỷ tới, quy mô dân số già sẽ tăng thêm 200 triệu và vượt qua con số 1 tỷ người. Đến năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 2 tỷ người già, báo cáo cho biết.
Giám đốc điều hành UNFPA, ông Babatunde Osotimehin, cho biết: "Thế giới đang già đi nhanh chóng và các nước đang phát triển là những quốc gia dẫn đầu về tốc độ già hóa. Già hóa dân số là một trong những xu hướng quan trọng và đáng lưu tâm nhất trong thế kỷ 21".
Báo cáo của UNFPA dự báo đến năm 2050, khoảng 80% người già trên thế giới sẽ tập trung ở các nước đang phát triển. Hiện nhiều quốc gia trong số này có tỷ lệ người lao động trẻ cao hơn số người về hưu.
Trong tuyên bố chung, UNFPA và HelpAge International nhấn mạnh thách thức đối với chính phủ các nước phát triển đó là họ chưa có những chính sách cũng như cơ chế hỗ trợ cho những người cao tuổi ở thời điểm hiện tại, cũng như chưa có những sự chuẩn bị thích hợp cho tình trạng già hóa trong năm 2050.
Giám đốc điều hành HelpAge International, ông Richard Blewitt nói: "Các quốc gia phải giải quyết tình trạng quản lý yếu kém quá trình già hóa của dân số, đồng thời ban hành những chính sách, kế hoạch cũng như ngân sách liên quan nhằm chuẩn bị đối phó với tình trạng già hóa". Ông Blewitt cũng kêu gọi sử dụng rộng rãi các chương trình xã hội cơ bản, bao gồm chăm sóc y tế với giá phải chăng cho người cao tuổi, đồng thời bãi bỏ việc nghỉ hưu bắt buộc.
Nguồn AFP/Khampha