Liberty Reserve rửa tiền như thế nào?
Trang web của Liberty Reserve đã bị đóng cửa ngay sau cáo buộc rửa tiền của giới chức Mỹ, ảnh hưởng đến giới giao dịch tiền ảo nhiều nước trên thế giới trong khi các cơ quan thẩm quyền ở nhiều nước bắt đầu vào cuộc điều tra.
Liberty Reserve thành lập năm 2006 tại Costa Rica với chức năng kinh doanh giao dịch tiền ảo từ bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Phí mỗi giao dịch khoảng 2,99 USD. Dịch vụ của Liberty Reserve có khoảng hơn 1 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, trong đó có 200.000 người từ Mỹ, và xử lý hơn 12 triệu giao dịch mỗi năm với giá trị hơn 1,4 tỷ USD. Kể từ năm 2006 đến nay, công ty này đã thực hiện hơn 55 triệu giao dịch, chuyển tiền phi pháp hơn 6 tỷ USD vào các “quỹ đen”.
Liberty Reserve không chuyển tiền trực tiếp từ khách hàng mà sử dụng một bên thứ 3 để thực hiện công việc này. Bên thứ 3 sẽ mua hoặc bán tiền Liberty Reserve hay còn gọi LR. Do đó, ngoài phí trả cho Liberty Reserve, khách hàng còn phải trả phí cho bên thứ 3, với nhiều trường hợp mức phí có thể lên tới hơn 5% khoản tiền cần chuyển hay nói cách khác dịch vụ này đắt đỏ hơn hoạt động thanh toán và chuyển tiền qua ngân hàng chính thống.
Tuy nhiên, do tính chất của quy trình chuyển tiền như trên, danh tính “mờ ám” của khách hàng có thể giúp họ thực hiện các giao dịch phi pháp.
Liberty Reserve có thể trở thành trung tâm giao dịch tài chính cho các hoạt động phi pháp như tấn công mạng, ăn cắp tài khoản tín dụng, buôn ma túy. Ngay cả khi Bộ tư pháp Mỹ điều tra Liberty Reserve năm 2011, tổ chức này tiếp tục hoạt động dưới vỏ bọc của các công ty ở Hong Kong, Trung Quốc, Nga, Morocco và nhiều nước khác.
Nguồn Nyimes, PCWorld/Dân Việt