Ảnh: Bloomberg.com
Leo thang thương chiến: Ván cược đầy rủi ro của Mỹ và Trung Quốc
Lần đầu tiên gặp tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng "có hàng nghìn lý do để Mỹ và Trung Quốc hình thành mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp, và không có một lý do nào có thể phá vỡ mối quan hệ đó”.
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, quan hệ Mỹ - Trung rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Ngày 02/08, tổng thống Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu khác từ Trung Quốc. Hành động này đã phá vỡ thỏa thuận “đình chiến” mà hai nhà lãnh đạo đã đạt được vào cuối tháng 6/2019. Hành động ăn miếng trả miếng giữa 2 quốc gia này đã đẩy căng thẳng thương mại lên cao trào.
Vấn đế cốt lõi nằm ở việc, không nhà lãnh đạo nào tin tưởng rằng nhà lãnh đạo kia thật sự nghiêm túc trong việc đưa ra các thỏa thuận. Trong khi Trung Quốc cho rằng ông Trump đang muốn phô trương thanh thế trước cuộc bầu cử năm 2020, thì Mỹ lại nghĩ rằng Trung Quốc đang chờ đợi ông Trump thất cử để đạt được một thỏa thuận tốt hơn từ một vị tổng thống khác. Việc đạt được thỏa thuận ngày càng trở nên khó khăn hơn khi cả hai bên đều tỏ thái độ cứng rắn.
Ông Dennis Wilder, cựu Giám đốc Cấp cao về Châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho hay: “Chúng ta đang đối mặt với một tình huống giống như một cơn bão. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có khả năng thua trong ván cờ này”.
Đối với Trump, ông đặt cược rằng thái độ cứng rắn với Trung Quốc sẽ giúp ông thắng cử. Chính quyền của ông tự hào rằng nước Mỹ đang có phản ứng mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ đối với Trung Quốc – một quốc gia đang trỗi dậy. Phần lớn các ứng cử viên đảng Dân chủ đều đồng ý rằng cần phải cứng rắn với Trung Quốc ngay cả khi họ không đồng ý với việc áp thuế quan của ông Trump.
Trong khi nông dân và các doanh nghiệp Mỹ gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hệ quả tiêu cực của những hành động leo thang thương chiến mới nhất, việc Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào ngày 31/07 giúp ông Trump dễ thở hơn.
Thông qua những đoạn tweet, ông Trump cho biết rằng ông sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại do việc tăng thuế nếu cần thiết, và nền kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh, khi dòng vốn đang ồ ạt chảy vào nước này.
Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ vượt ngưỡng 7NDT đổi 1 USD lần đầu kể từ năm 2008. Ảnh: Bloomberg |
Đối với chủ tịch Tập Cận Bình, các bước đi trong chính trị của ông là rất khó nắm bắt. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, ông đang phải chịu áp lực từ nhiều vấn đề nảy sinh gần đây như: việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen.
Việc Trung Quốc để đồng Nhân dân tệ (NDT) suy yếu vượt qua mức 7 NDT đổi 1 USD và ngưng nhập khẩu hàng nông nghiệp của Mỹ là một động thái đáp trả mạnh mẽ của nền kinh tế số 2 thế giới, sau khi đã kiềm chế trong nhiều tháng. Đáp lại, chính quyền Mỹ đã gán mác Trung Quốc thao túng tiền tệ.
Ông Charles Liu, người từng là nhà đàm phán kinh tế của phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc và hiện là nhà sáng lập của Hao Capital, cho biết: “Khó có khả năng Trung Quốc sẽ khuất phục trước áp lực gia tăng từ phía Mỹ, vì Trung Quốc tin rằng nếu họ nhường phía Mỹ một inch thì nước này sẽ lấn tới 1 bước chân”.
Ông nói thêm rằng: “Phía Mỹ dường như không muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc”.
Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ lại cho rằng những quan chức “diều hâu” bên phía Trung Quốc đã tự ý thay đổi một số điều khoản quan trọng trong thỏa thuận thương mại hồi tháng 5/2019 và cáo buộc Trung Quốc đã không giữ lời hứa tăng mua hàng nông sản Mỹ sau Hội nghị thượng đỉnh của G20 tại Nhật.
►Trump đang mở rộng chiến tranh thương mại ra toàn cầu
►Chiến tranh thương mại đang bắt đầu làm lung lay vị thế thống trị của USD?
►Mỹ gắn mác Trung Quốc thao túng tiền tệ, giới phân tích quốc tế nói gì?
Mỹ cho biết lời đe dọa về vòng áp thuế quan mới nhất của ông Trump chỉ nhằm để đưa Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, song sự trả đũa của Bắc Kinh cho thấy ông Tập không muốn đạt được thỏa thuận, muốn chờ ông Trump thất bại.
Ngày 6/8, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế Mỹ, cho biết Hoa Kỳ muốn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vào đầu tháng 9.
Đối với phe “diều hâu” ở Mỹ, sự đổ vỡ trong mối quan hệ Mỹ - Trung có thể là cơ hội để thắt chặt các biện pháp hạn chế với Huawei…
Về phía Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình vẫn còn rất nhiều vũ khí để phản đòn như nhắm vào các hoạt động kinh doanh của Mỹ tại Bắc Kinh, làm suy yếu các nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập Iran và CHDCND Triều Tiên. Thậm chí, Trung Quốc có thể thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn như cấm công ty Mỹ tiếp cận các lĩnh vực mà nước này vừa mở cửa như tài chính.
Dù vậy, ông Tập phải thận trọng nhằm đảm bảo rằng bất kì động thái trả đũa sẽ không phản tác dụng. Việc làm suy yếu đồng Nhân dân tệ có thể gây ra những hệ lụy nguy hiểm. Trung Quốc không muốn dòng vốn tháo chạy như những gì diễn ra vào năm 2015, khiến nước này phải tiêu tốn hàng trăm tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường. Nguy cơ vỡ nợ cũng tăng lên đối với những công ty vay nợ nhiều bằng đồng USD.
Ông Harry Lu, nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Macquarie Securities Hong Kong - một công ty chứng khoán, cho biết: “Như những gì chúng ta đã thấy trong năm 2015, nếu Trung Quốc quản lý kỳ vọng không tốt, dòng vốn tháo chạy sẽ tăng trở lại và điều đó sẽ gây nhiều tác hại hơn là thuế quan”.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, mối đe dọa leo thang thương chiến lần này là đặc biệt đáng lo ngại. Cả hai quốc gia cần phải ngồi lại với nhau và đưa ra những thỏa thuận có lợi cho cả 2 bên. “Con đường phía trước sẽ rất nguy hiểm và khó khăn nếu hai bên không quay trở lại bàn đàm phán. Đây là cuộc sống thực, không phải chương trình truyền hình thực tế”, ông James McGregor, Chủ tịch của APCO Worldwide Trung Quốc - một công ty tư vấn, nhận định.
Nguồn Bloomberg