Thứ Hai | 05/05/2014 15:44

Lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga mất hiệu lực tại các thiên đường thuế

Các doanh nghiệp Nga từng được kêu gọi đầu tư vào Hà Lan với lời đề nghị,các doanh nghiệp sẽ không phải chịu thuế mà khối tài sản vẫn được an toàn.
Trên thực tế, phần lớn những lời mời gọi như vậy lại rất hiệu quả. Các công ty dầu mỏ, khí đốt, khai thác mỏ và hãng bán lẻ lớn nhất của Nga - bao gồm một số công ty do các tỷ phú thân cận với Tổng thống Vladimir Putin - đã chuyển khối tài sản kếch xù của mình sang Hà Lan và các nước châu Âu khác (như Luxembourg, Cyprus, Thụy Sĩ và Ireland) nhằm tránh bị đánh thuế và rút vốn. Một số tập đoàn như Rosneft, Gazprom, Lukoil và Gunvor - đồng sáng lập bởi một đồng minh của ông Putin - hiện tại đang phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kết quả là, một số thiên đường thuế của châu Âu có thể nắm giữ quyền kiểm soát, gây áp lực với Nga để rút quân khỏi Ukraine. Việc những doanh nhân giàu có của nước Nga mở rộng các công ty con ra nước ngoài càng khiến khối tài sản của họ dễ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, để lợi dụng lỗ hổng này đòi hỏi phải có sự giúp đỡ từ các quốc gia phụ thuộc vào dòng vốn chảy ra khỏi Nga và có truyền thống bảo vệ nhà đầu tư trước pháp luật nước ngoài.

Hà Lan, Cyprus, Luxembourg và Ireland đều thuộc Liên minh châu Âu (EU) nên chắc chắn phải áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, các nước này có quyền quyết định về việc có nên áp dụng những biện pháp trừng phạt khắt khe hơn đối với Nga giống như Mỹ hay không. Riêng Thụy Sĩ lại là nước nằm ngoài khối EU.

Nhiều nước châu Âu gặp phải mâu thuẫn trong việc trừng phạt Nga vì Nga là nguồn cung chủ yếu về dầu và khí đốt của những nước này đồng thời cũng là nguồn đầu tư quan trọng vào các loại tài sản như bất động sản ở London.

Theo Bộ tài chính Mỹ, có tất cả 19 công ty Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, bao gồm Volga - có trụ sở tại Luxembourg - cùng với 10 công ty con của tập đoàn. Theo số liệu của ngân hàng trung ương Nga, Luxembourg là nước có nguồn FDI vào Nga lớn nhất trong năm 2012, tiếp theo là Hà Lan và Ireland.

Tuy nhiên, Wayne Merry của Hội đồng chính sách đối ngoại của Mỹ cho biết, Luxembourg dường như sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt đi quá xa so với của EU.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đã thúc đẩy hoạt động thanh tra vai trò của Hà Lan trong việc giúp đỡ đưa các công ty và hãng sản xuất công nghiệp vào diện bị đánh thuế thấp giống như Bermuda và British Virgin Islands. Ngày 15/5, Quốc hội Hà Lan sẽ tổ chức buổi tranh luận về phương cách mà giới giàu có của Nga và Ukraine và các công ty lợi dụng Hà Lan để tránh nộp thuế.

Hơn một năm nay, ông Putin vẫn kêu gọi các doanh nhân quay trở lại đầu tư vào nước Nga. Tuy nhiên, theo số liệu của ngân hàng trung ương Nga, có khoảng 51 tỷ USD bị rút ra khỏi nước này trong quý I/2014 và 63 tỷ USD trong năm 2013.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg


Sự kiện