Leicester và sự mờ ám về tài chính
Hồi đầu tháng tư, Ban tổ chức các giải hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba Anh (Football League) bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra với Leicester mùa 2013/14 – mùa họ giành vé lên Ngoại hạng Anh. Cuộc điều tra nhằm xác minh cáo buộc Leicester lách luật công bằng tài chính.
Cụ thể là, đầu tiên Leicester bán lại quyền quảng bá hình ảnh tại Anh và Đông Nam Á cho công ty Trestellar. Sau đó, gần như đồng thời với Leicester, Trestellar bán lại quyền tài trợ chính (tài trợ áo đấu và tên sân) cho hãng bán lẻ King Power, chủ sở hữu của CLB.
Vấn đề nảy sinh ở đây. King Power thực tế đã có quyền tài trợ áo đấu và tên sân từ lâu, ký thêm hợp đồng với Trestellar đồng nghĩa là họ có đến 2 quyền tài trợ!
Cha con nhà tỷ phú Vichai. Ảnh: Getty. |
Từ đó, xuất hiện nghi vấn Leicester đã “úm ba la”, ký hợp đồng “ma” để hợp pháp hóa nguồn tiền của giới chủ nhằm cắt lỗ, đáp ứng hạn mức của Luật Công bằng tài chính.
Sau khi hợp tác với Trestellar, với việc King Power vẫn giữ quyền tài trợ chính, nguồn thu từ tài trợ lập tức tăng lên 16 triệu bảng, tức là tăng 11 triệu so với mùa trước. Mùa ấy khoản lỗ của Leicester giảm đến 21 triệu bảng.
Các đội bóng khác dĩ nhiên không thể để yên. Họ đã đệ đơn lên Football League đòi điều tra. Lý do bởi trong khi các đội phải giảm mạnh lương để cắt lỗ thì Leicester sử dụng chiêu trò để tiếp tục ung dung chi mạnh tay vào lương thưởng, tạo doping tinh thần với cầu thủ và giành quyền thăng hạng Premier League mà không chịu án phạt nào.
Báo cáo tài chính của Leicester City trong mùa 2013/14 cho thấy họ đã chi 36 triệu bảng để trả lương cầu thủ, hơn 5 triệu bảng so với thu nhập của đội bóng này. Leicester giải thích rằng trong 36 triệu thì có đến 9,4 triệu bảng là khoản thưởng cho cầu thủ khi đội bóng thăng hạng.
Trụ sở của công ty Trestellar. Ảnh: Guardian. |
Thêm một điều đáng ngờ nữa là Trestellar, từ đó đến nay, vẫn tồn tại như một “công ty ma”, không có trang web, không cả số điện thoại. Địa chỉ đăng ký kinh doanh cũng không có dấu hiệu nào về sự tồn tại của Trestellar.
Công ty này được vận hành bởi con trai và con gái của Sir Dave Richards, cựu chủ tịch Premier League. Cần biết rằng, nhà Richards có mối quan hệ gần gũi với ông chủ Vichai của Leicester.
Khi tờ Guardian đặt câu hỏi về vấn đề trang web và số điện thoại, ông Richards Jr – con trai của Sir Dave Richards, hiện điều hành một công ty in ấn, thiết kế và thương mại ở cùng địa chỉ trên, trả lời: “Tại sao lại cần nó? Chúng tôi rất bận và trong mạng lưới mà chúng tôi hoạt động, chúng tôi biết rõ những người mình muốn biết”.
Theo một số CLB lâu năm ở giải hạng Nhất, hợp đồng tài trợ áo đấu tại giải đấu này chỉ có giá trị vào khoảng 250 nghìn bảng đến 500 nghìn bảng, trong khi việc bán tên sân là rất khó. Kình địch Derby County nằm gần Leicester dù có sân nhà với sức chứa lớn hơn nhưng gần đây mới bán tên sân cho công ty nước giải khát thể thao iPro với số tiền 700.000 bảng/năm.
Đánh giá về Leicester, một CLB thi đấu tại Championship mùa giải 2013-14 (không muốn tiết lộ danh tính) cho biết: “Những gì Leicester được hưởng giống như liều doping tài chính do chủ sở hữu thực hiện, trong khi những CLB khác đều tuân thủ luật chơi”.
Trước rất nhiều yêu cầu minh bạch tài chính, Leicester vẫn kiên quyết im lặng. Người phát ngôn của CLB nói: “Football League yêu cầu làm rõ vấn đề tài chính của mùa 2013/14 và phía Leicester đã cung cấp giấy tờ liên quan. Đội bóng tin rằng đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Football League về luật FFP trong mùa giải đó và sẽ không phải chịu trách nhiệm phát sinh từ vấn đề này”.
Chủ tịch Vichai Srivaddhanaprabha của Leicester sở hữu khối tài sản lên đến 2,9 tỷ USD. Theo tạp chí Forbes, chủ tịch Leicester City đang là người giàu thứ tư ở Thái Lan (tăng 5 bậc so với 2015), đồng thời xếp hạng 612 trên thế giới (tăng 98 bậc so với 2015).
Tháng 8 năm 2010, hãng King Power do ông Vichai đứng đầu đã ký hợp đồng tài trợ áo đấu 3 năm với Leicester City. Đến ngày 10/2/2011, ông Vichai chính thức trở thành chủ tịch đội bóng, bổ nhiệm con trai Aiyawatt làm phó chủ tịch.
Nguồn Zing