Lật tẩy những gia đình quan tham Trung Quốc
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã khiến hàng loạt quan tham ngã ngựa. Kéo theo đó, người nhà các quan chức này cũng bị phanh phui trong các vụ nhận hối lộ hoặc bị điều tra về việc lạm dụng chức quyền của người thân để trục lợi.
Mượn oai bố vợ
Sau khi Cựu Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc Đới Tương Long bị điều tra các cáo buộc tham nhũng hồi cuối năm ngoái, thì tháng 6 năm nay, con rể ông là Xa Phong cũng đột nhiên bị bắt để điều tra.
Xa Phong nắm giữ số cổ phiếu trị giá khoảng 6,1 tỷ HKD của Vương quốc số hóa, mà Vương quốc số hóa chỉ là phần nổi của tảng băng trong số tiền vốn khổng lồ do Xa Phong điều hành trên thị trường Đại lục và Hồng Kông.
Báo chí Trung Quốc và Hồng Kông cho rằng, số tài sản khổng lồ mà Xa Phong có được là nhờ vào cái tiếng “phò mã” của “Vua ngân hàng” Đới Tương Long.
Xa Phong bị nghi ngờ thông qua các con đường đặc biệt ở Hồng Kông và nước ngoài để rửa tiền cho một số quan chức cao cấp trong giới tài chính, ngân hàng Trung Quốc, chuyển tiền phi pháp ra nước ngoài số lượng đặc biệt lớn, tới hàng trăm tỷ tệ.
Con rể của “vua ngân hàng” còn bị cho là có liên quan đến hoạt động phạm pháp của một số nhân vật như thương gia nổi tiếng Quách Văn Quý - người đứng đầu Công ty Đầu tư Bàn Cổ Bắc Kinh (đã chạy trốn sang Mỹ) và Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Mã Kiện (đã bị cách chức) và việc thành lập mạng lưới quan hệ thương mại - chính trị mang tên “Bàn Cổ hội”.
Ngoài ra, Xa Phong còn bị nghi ngờ làm gián điệp, cung cấp những thông tin nội bộ tuyệt mật cho cho cơ quan tình báo phương Tây.
Lệnh Kế Hoạch (phải) đang bị điều tra tham nhũng và em trai - Lệnh Hoàn Thành (trái) đang trốn tại Mỹ.
Vợ con đua nhau tham nhũng, hối lộ
Cùng thời gian này, con trai của Phó Chủ tịch Trung Quốc dưới thời ông Hồ Cẩm Đào (giai đoạn 2003 - 2008) Tăng Hồng Khánh là Tăng Vĩ bị đồn thu lợi bất chính trong thương vụ chuyển nhượng một công ty con thuộc tập đoàn năng lượng quốc doanh.
Dù được định giá 73,8 tỷ nhân dân tệ (11,9 tỷ USD) nhưng giá bán sau cùng của công ty con này chỉ có 3,7 tỉ nhân dân tệ (596 triệu USD).
Tăng Vĩ còn bị cho là chơi ngông khi mua biệt thự ở Sydney - Australia trị giá 24,8 triệu USD rồi đập bỏ xây lại.
Đầu năm nay, con trai cựu Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư Trung Quốc Quách Bá Hùng (vừa bị khai trừ Đảng ngày 30/7 và đang bị điều tra) là Quách Chính Cương, hiện đang giữ chức Phó chính ủy Quân khu Chiết Giang với quân hàm Thiếu tướng, cũng bị điều tra về tội tham nhũng và hối lộ.
Tháng 6 năm nay, trong phiên tòa xét xử cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, vợ và con trai ông này khai đã mượn quyền thế của Chu Vĩnh Khang để nhận hối lộ hàng chục triệu USD.
Vợ Chu Vĩnh Khang, Giả Hiểu Diệp và con trai của ông với vợ trước, Chu Bân đã nhận hối lộ tiền và tài sản trị giá 129 triệu nhân dân tệ (hơn 20 triệu USD).
Chu đã được hai người thông báo về những khoản tiền này. Giả Hiểu Diệp và Chu Bân không trực tiếp tham gia buổi xét xử tội danh của Chu Vĩnh Khang, tuy nhiên, phiên tòa đã cung cấp video ghi lại lời khai của họ.
Trước đó, khi bị điều tra, cựu Phó chủ tịch Quân ủy T.Ư Từ Tài Hậu thú nhận đã nhận hối lộ “khủng” để giúp kẻ khác thăng quan tiến chức.
Sau khi Từ Tài Hậu bị bắt và qua đời, hồi tháng 3 năm nay, trên Internet đã lan truyền nhiều tin đồn con gái ông là Từ Tư Ninh cũng có hành vi tham nhũng giống như cha mình. Theo đó, Từ Tư Ninh đóng vai trò không thể thiếu trong việc nhận hối lộ cho cha.
Nhờ sự “góp sức” của con gái mà Từ Tài Hậu có hẳn một tầng hầm để chứa vàng bạc, trang sức, các tác phẩm nghệ thuật và hơn một tấn tiền mặt.
Ngoài ra, các nhà điều tra đã đột kích vào một số ngôi nhà của Từ Tư Ninh và phát hiện các hiện vật có trị giá hơn 1,6 tỷ nhân dân tệ (256 triệu USD).
Nguồn tin chính phủ cho biết, Từ Tư Ninh và mẹ cô đã bị nhà chức trách bắt giữ ngày 14/3 tại tầng 6 Bệnh viện Quân y 301 Bắc Kinh, nơi Từ Tài Hậu điều trị. Mặc dù Viện Kiểm sát Quân sự Trung Quốc đã ngưng điều tra Từ Tài Hậu sau cái chết của ông; nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục điều tra những vụ án tham nhũng quanh ông này.
Cả nhà cùng “dính” án tham nhũng
Còn liên quan tới ông Lệnh Kế Hoạch, Cựu chánh văn phòng T.Ư Đảng dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đang bị điều tra tham nhũng từ tháng 12 năm ngoái, thì những người thân trong gia đình cũng bị điều tra.
Vợ ông, bà Cốc Lệ Bình, bị cáo buộc là lợi dụng cơ sở quyền lực của chồng ở đoàn thanh niên, thành lập nhiều quỹ tài chính, tổ chức phi Chính phủ, trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành các công ty con, nhằm thu lợi.
Báo giới đăng tải nhiều thông tin về hoạt động của bà Cốc Lệ Bình kể từ khi mới kết hôn với ông Lệnh Kế Hoạch. Thời điểm ông Lệnh Kế Hoạch bị điều tra tham nhũng, một số báo chí đã đưa tin bà Cốc Lệ Bình định trốn tới Nhật Bản thì bị bắt ở Thanh Đảo.
Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông tin chính thức nào về bà Cốc Lệ Bình. Em trai và em dâu của bà Cốc Lệ Bình hiện cũng đang bị điều tra.
Riêng doanh nhân Lệnh Hoàn Thành (em trai Lệnh Kế Hoạch) được cho là đang nắm giữ nhiều bí mật quốc gia, sử dụng những thông tin này để xin tị nạn chính trị ở Mỹ; đồng thời dùng nó để “trao đổi” với giới chức Trung Quốc nhằm cứu anh trai khỏi cảnh tù tội.
Những thông tin Lệnh Hoàn Thành nắm giữ cũng được cho là có khả năng gây tổn hại cho các lãnh đạo đương nhiệm cũng như những người đã về hưu, theo Want China Times.
Trang tin Duowei còn cho biết thêm, những thông tin Lệnh Hoàn Thành có được “quan trọng và nhạy cảm hơn” nhiều so với tài liệu của giám đốc Công an Trùng Khánh là Vương Lập Quân (cánh tay mặt của Bạc Hy Lai, đang thụ án 15 năm tù) xin tị nạn tại Lãnh sự quán Mỹ.
Ngoài ra, nếu Lệnh Hoàn Thành được chấp nhận cho tị nạn, nhiều khả năng giới chức Trung Quốc chuyển từ án tham nhũng sang an ninh quốc gia.
Hiện, Trung Quốc đang lúng túng trong việc dẫn độ Lệnh Hoàn Thành. Mark Toner - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ từng cho biết, hai nước sẽ phối hợp để trao trả các quan chức tham nhũng; nhưng ông Lệnh lại là một doanh nhân nên không nằm trong diện dẫn độ.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Ernest nói rằng, Trung Quốc chưa đề nghị dẫn độ Lệnh Hoàn Thành.
Nguồn Báo Giao thông