Lao động và bài toán tăng trưởng của Hàn Quốc
Chỉ mới cách đây 20 năm, Hàn Quốc ra sức kiềm hãm tăng trưởng dân số đến nỗi khuyến khích người dân triệt sản; thậm chí quân đội cũng miễn nam giới nhập ngũ chỉ cần họ chịu thắt ống dẫn tinh. Thế nhưng, giờ mọi thứ đã thay đổi. Dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng và lực lượng lao động cũng đang suy giảm. Vào năm tới, số dân Hàn Quốc ở độ tuổi lao động sẽ đạt đỉnh 37 triệu người, nhưng con số được dự báo sẽ giảm 1,3% đến cuối thập niên này. “Chúng ta đang có những vấn đề vĩ mô mang tính cơ cấu”, Kwon Tae Shin, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, khuyến cáo.
“Tình huống của Hàn Quốc sẽ tương tự như Nhật”, Lee Young Wook, nhà nghiên cứu tại Viện Phát triển Hàn Quốc, nhận xét. Dân số Nhật đã đạt mức cao vào năm 2018 nhưng đã giảm kể từ đó. Cứ 1 trong số 4 người Nhật ở độ tuổi từ 65 trở lên và số dân ở độ tuổi lao động đã đạt đỉnh vào năm 1995. Trong khi đó, tại xứ sở kim chi, những người ở độ tuổi 65 trở lên hiện chiếm 13% dân số, tăng từ mức 10% của năm 2007, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc. Xét theo một số thước đo, vấn đề này càng tồi tệ hơn: Với chỉ 1,2 trẻ em trên mỗi phụ nữ, tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện thấp hơn cả tỉ lệ 1,4 của Nhật (để dân số gia tăng ổn định, tỉ lệ này cần phải trên 2).
Dân số Hàn Quốc đang già đi |
Một báo cáo năm 2015 của HelpAge, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở đặt tại London, đã đo lường chất lượng cuộc sống cho những người lớn tuổi tại 96 quốc gia. Nhật đã rơi vào được tốp 10, nhưng Hàn Quốc thì xếp tới vị trí 60, đứng thứ 3 kể từ dưới lên trong số những quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trước Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Đáng lo ngại, dân số đang già đi sẽ là rào cản cho những nỗ lực phục hồi nền kinh tế xanh xao của Chính phủ Hàn Quốc, vốn đang gặp khó khăn do xuất khẩu suy giảm và nhu cầu yếu ớt ở thị trường trong nước. “Nó thực sự làm suy giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của đất nước”, Joseph Incalcaterra, chuyên gia kinh tế của HSBC, nhận định.
Một báo cáo của Quốc hội nước này hồi năm ngoái đã chỉ ra rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 3,6% trong giai đoạn 2014-2018. Nhưng những diễn biến ngày càng xấu đi về tình hình dân số sẽ khiến cho viễn cảnh tăng trưởng này khó mà đạt được. Với việc nhu cầu nội địa chiếm tới khoảng phân nửa GDP, người Hàn sẽ phải “làm quen” với những tác động mà một nền kinh tế có quy mô lao động nhỏ hơn sẽ gây ra cho sức mua tiêu dùng, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Incalcaterra. Chính phủ cũng thấy rõ thách thức này khi cho biết những năm tới có thể là cơ hội cuối cùng để đất nước nỗ lực thoát ra khỏi cái bẫy dân số.
“Dân số già đi là nhân tố chính sẽ đè nặng lên tăng trưởng của Hàn Quốc. Mọi người có thể không nhận ra tính chất quan trọng của vấn đề bây giờ, nhưng trong vài năm nữa, sẽ quá trễ để làm bất cứ điều gì”, Cho Byung Koo, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hàn Quốc, nhận xét. Tăng trưởng GDP thực là 3,3% năm ngoái. Nếu không có nhiều hành động hơn nữa để đối phó với dân số đang già đi, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm còn 2,2% trong giai đoạn 2021-2030 và còn 1,4% sau đó, theo ước tính của Viện Phát triển Hàn Quốc.
Một lực lượng lao động đang suy giảm sẽ tạo ra cơ hội cho những lao động trẻ tuổi hơn. Hiện tại, đối tượng này đang ở thế bất lợi. Trong khi tỉ lệ thất nghiệp nói chung chỉ dưới 4% thì tỉ lệ thất nghiệp trung bình của lao động trong độ tuổi từ 15-29 lên đến 9,6%, tăng từ mức 7,7% của năm 2012, theo Emily Dabbs, chuyên gia kinh tế tại Moody’s Analytics. Nhiều việc làm cho người trẻ tuổi chỉ mang tính chất tạm thời và họ không được hưởng đầy đủ các phúc lợi như những lao động lớn tuổi hơn. Khoảng 25% lao động hiện làm những công việc tạm thời này. Người Hàn Quốc “trong nhóm đang già đi của lực lượng lao động” là những người làm những công việc lâu dài, ổn định, theo Adrian Mowat, trưởng chiến lược gia về cổ phiếu các thị trường mới nổi và châu Á tại J.P. Morgan Securities. “Những người cuối 20 và đầu 30 tuổi là những người đang chật vật”, ông nói. Điều đó đang làm tồi tệ vấn đề dân số ở Hàn Quốc. “Rất khó để có tỉ lệ sinh cao hơn nếu không lập gia đình”, Mowat nói thêm.
Để tránh rơi vào cái bẫy như Nhật, nơi dân số già đi đang làm suy yếu sức mua tiêu dùng, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực cải cách luật lao động, vốn hiện không khuyến khích các doanh nghiệp lớn tuyển dụng các lao động trẻ tuổi hơn. Mục đích là nhằm khiến cho việc tuyển dụng và sa thải dễ dàng hơn và để doanh nghiệp xét lương thưởng dựa trên kết quả làm được thay vì dựa trên mức độ thâm niên lao động. Tổng thống Park Geun Hye cũng đang thực hiện những bước đi để khuyến khích phụ nữ có con. Chính phủ của bà đã tuyên bố các chính sách giúp cho việc chăm sóc trẻ, giáo dục và nhà ở trở nên phù hợp với khả năng tài chính hơn của người dân. Trong khi đó, Lee, thuộc Viện Phát triển Hàn Quốc, nói rằng đó là những bước đi tích cực đầu tiên, nhưng các chủ sử dụng lao động cũng phải thay đổi bằng cách rút ngắn ngày làm việc của người lao động để các gia đình có thời gian cho nhau hơn. “Văn hóa và chính sách phải đi song hành với nhau”, bà nói. Trong thời gian chờ đợi những nỗ lực nói trên được triển khai và phát huy tác dụng, lực lượng lao động của Hàn Quốc sẽ trở nên ít đi và già hơn.
Đàm Hoa
Nguồn Bloomberg