Đăng tuyển tại một bến xe buýt ở Thâm Quyến. Ảnh: Bloomberg.
Lao động ở Trung Quốc phải chịu “lời nguyền tuổi 35”
Khi cô Han bị sa thải khỏi vị trí thiết kế giao diện ở Bắc Kinh vào tháng 2, cô nghĩ rằng với 10 năm kinh nghiệm, việc kiếm việc mới sẽ chẳng có gì khó khăn.
Nhưng khi cuộc tìm việc kéo dài, cô bắt đầu lo lắng. Cô đã gửi hàng trăm đơn xin việc và chỉ được mời tham gia bốn cuộc phỏng vấn.
Không có lựa chọn với vị trí công việc đã ứng tuyển, cô chuyển sang làm tài xế giao đồ ăn bán thời gian để kiếm sống, giúp cô “may mắn kiếm được 20 nhân dân tệ (2,8 USD)” mỗi ngày.
Cô nói: “Tôi đã thử mọi công việc có thể, nhưng chúng quá tiêu tốn năng lượng hoặc được trả lương quá thấp, rất khó để duy trì cuộc sống cơ bản hàng ngày.”
Cô Han tin rằng gốc rễ vấn đề là vì cô đã trở nên quá già trong mắt nhiều nhà tuyển dụng, ở tuổi 34.
Theo CNN, cô Han nằm trong số rất nhiều công nhân thuộc thế hệ Millennial ở Trung Quốc lo sợ rằng họ sẽ phải chịu “lời nguyền tuổi 35”.
Thuật ngữ này ban đầu được đặt ra trên mạng xã hội để mô tả tin đồn về việc các công ty công nghệ lớn sa thải người lao động lớn tuổi, nhưng sau đó nó đã trở nên phổ biến đến mức thậm chí còn được các cố vấn của chính phủ Trung Quốc nhắc đến.
Bất cứ ai nghi ngờ về sức mạnh của “lời nguyền” chỉ cần nhìn vào vô số danh sách việc làm và trang tuyển dụng trực tuyến nêu rõ rằng ứng viên không được lớn hơn 35 tuổi, độ tuổi mà nhiều chuyên gia thậm chí không coi là trung niên.
Thật vậy, ngay cả chính phủ Trung Quốc cũng loại trừ các ứng cử viên trên 35 tuổi cho nhiều vị trí công chức, một chính sách đã bị một nhà lập pháp phản đối tại cuộc họp thường niên của quốc hội và cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc vào năm ngoái.
“Sự phân biệt đối xử vô hình về độ tuổi đối với những người 35 tuổi luôn tồn tại ở nơi làm việc”, Nhà lập pháp Jiang Shengnan phát biểu trước cuộc họp, tờ China Youth Daily đưa tin. “Việc từ chối những ứng viên ở độ tuổi đó là một sự lãng phí tài năng.”, ông chia sẻ thêm.
Năm nay, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã đã đề xuất một giải pháp khả thi với các chính sách đặc biệt ưu tiên người lao động trên 35 tuổi, cùng với hỗ trợ tài chính và các quy định chống phân biệt tuổi tác.
Đối với nhiều người trong số hàng trăm triệu thế hệ trẻ ở Trung Quốc, các giải pháp không đến đủ nhanh. Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang nỗ lực phục hồi sau thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra và có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, tình trạng thất nghiệp đã trở thành mối lo ngại cấp bách đối với nhiều người. Trên toàn quốc, tỉ lệ thất nghiệp chính thức đã tăng lên mức cao gần kỷ lục 6,1% vào năm ngoái và mặc dù việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa đã mang lại một số cứu trợ nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức 5,2%.
Làm sếp hoặc bị sa thải
Vấn đề đã trở nên nổi bật một phần do sự phát triển của ngành công nghệ Trung Quốc và “văn hóa 996” khét tiếng của nước này, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần.
Một lịch trình khắc nghiệt thậm chí còn khó khăn hơn đối với những nhân viên lớn tuổi có gia đình, nhưng đó là kỳ vọng chung trong lĩnh vực công nghệ có tính cạnh tranh cao và tương đối trẻ của đất nước.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng lao động trẻ được thuê trực tiếp từ trường học có xu hướng rẻ hơn, mặc dù nhiều người cho rằng ưu tiên không chỉ nằm ở chi phí.
Một báo cáo của Tân Hoa Xã năm 2021 lý luận rằng những nhân viên chưa được thăng chức lên cấp quản lý ở tuổi 35 có thể bị coi là kém thành công hơn, do đó dễ bị sa thải hơn.
Giáo sư Trường Đảng Trung ương đã nêu quan điểm này trong báo cáo năm ngoái: “Nói chung, hầu hết nhân viên có 10 năm kinh nghiệm sẽ trở thành lãnh đạo hoặc quản lý nhóm nếu khả năng của họ thực sự tốt. Nói cách khác, "ngưỡng 35 tuổi" không phải là độ tuổi mà là thước đo khả năng làm việc trong mắt người sử dụng lao động.”
Hội chợ việc làm ở Tòng Giang, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Nhưng những giới hạn này có nghĩa là nhiều người rơi vào tình cảnh giống cô Han, cư dân Bắc Kinh: có trình độ cao, có học vấn, có kinh nghiệm và đang phải vật lộn để duy trì đời sống với công việc tự do.
Điều này đặc biệt đúng khi ngày càng có nhiều người theo đuổi bằng thạc sĩ và tiến sĩ với hy vọng giành được lợi thế trong thị trường việc làm đông đúc, do đó trớ trêu thay họ lại trì hoãn việc gia nhập thị trường việc làm cũ.
Một người sáng tạo nội dung, ông Tao Chen, đã thu hút được sự chú ý trên toàn quốc vào tháng 3 sau khi đăng bài về trải nghiệm của mình lên mạng. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ triết học tại Đại học Tứ Xuyên danh tiếng, ông bị cho thôi việc ở ngành báo chí, sau đó dấn thân vào một chuỗi dự án kinh doanh thất bại. Ở tuổi 38, với rất ít triển vọng khác, ông trở thành tài xế giao đồ ăn, cuối cùng cũng từ bỏ công việc đó vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Ông Tao Chen nói trong video của mình: “Mặc dù tôi có kinh nghiệm làm việc thực sự tốt và có bằng thạc sĩ, nhưng tôi không có khả năng cạnh tranh sau 35 tuổi." Hơn 98% đơn xin việc của ông ấy không được hồi đáp, trong khi số còn lại cho rằng anh ấy “không phù hợp” với vai trò này.
“Tôi gần như bị suy sụp tinh thần,” ông nói.
“Nhìn thấu chiêu trò”
Các chuyên gia cho rằng cách tốt nhất để chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác và bất bình đẳng giới là thông qua cải cách pháp lý.
Bà Yiran Zhang, Trợ lý Giáo sư tại Trường Luật Cornell, cho biết mặc dù luật lao động của Trung Quốc cấm phân biệt đối xử vì lý do sắc tộc, giới tính và tín ngưỡng tôn giáo nhưng lại không cấm phân biệt đối xử vì lý do tuổi tác.
Và ngay cả ở những khu vực có một số biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như đối với các bà mẹ đang nghỉ thai sản, việc thực thi luật còn yếu và tình trạng phân biệt đối xử về giới vẫn còn phổ biến, bà nói.
Sinh viên và sinh viên tốt nghiệp tại hội chợ việc làm và thực tập đại học ở Suqian, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Bà Zhang và các chuyên gia khác lưu ý rằng trước đây đã có những nỗ lực lập pháp chống phân biệt tuổi tác, trong đó một số chính trị gia coi việc nâng tỉ lệ sinh đang giảm là ưu tiên hàng đầu, nhưng cho đến nay những nỗ lực này đã không được Quốc hội thông qua.
Truyền thông nhà nước đưa tin một số tiến bộ nhỏ đã đạt được vào đầu năm nay, khi một số tỉnh và khu vực nới lỏng giới hạn độ tuổi đối với công chức, nâng giới hạn từ 35 lên 40.
Trong khi đó, cô Liu, Cựu Giám đốc dự án ở Thâm Quyến, hiện kiếm sống bằng nghề sáng tạo nội dung để không phải quay lại nơi làm việc truyền thống đầy rẫy sự phân biệt tuổi tác và phân biệt đối xử.
“Tôi đã từng làm việc ở cả công ty lớn và công ty nhỏ, tôi có thể nhìn thấu những chiêu trò của họ”, cô nói. “Tôi chỉ muốn chạy trốn khỏi đó."
Có thể bạn qaun tâm:
Quốc gia chơi game nhiều nhất thế giới
Nguồn CNN