Thứ Năm | 14/06/2012 13:49

Lao động Hy Lạp tiếp tục làm việc không lương do khủng hoảng nợ

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, công nhân Hy Lạp tiếp tục làm việc thậm chí tới nửa năm chưa được nhận lương.
Theo cuộc khảo sát gần đây của Pew, Hy Lạp được coi là nước làm việc kém hiệu quả nhất ở châu Âu so với Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan và Séc. Hy Lạp ít có các kỳ nghỉ và tuổi nghỉ hưu của nước này nâng lên mức trung bình 61 theo các điều khoản của gói cứu trợ gần đây.

Các công nhân Hy Lạp trung bình làm 2.017 giờ mỗi năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác. Nguyên nhân là do ngày càng nhiều người tự làm chủ, với xu hướng làm việc nhiều thời gian hơn và các nhân viên bán thời gian giảm xuống mức trung bình. Ngoài ra còn do năng suất lao động thấp, đặc biệt trong lĩnh vực công cộng, chiếm 20% dân số.

Khuôn mẫu người lao động lười biếng, làm việc trong nhiều giờ nhưng không hiệu quả, không khai báo thuế đã khiến Hy Lạp khó nhận được sự cảm thông từ quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều công nhân Hy Lạp hiện đang làm việc dù không được trả công.

Nhân viên tại bệnh viện Henry Dunant ở Athens vẫn làm việc dù tiền lương 5 tháng chưa được trả. "Những người này vẫn ở lại vì hy vọng lương sẽ được trả, do không tìm được công việc khác hoặc quá gắn bó với công việc hiện tại", Constantinos Mavrantonis - Trưởng khoa phẫu thuật trực tràng cho CNBC biết.

600 nhân viên của một trong những tờ báo nổi tiếng nhất của Hy Lạp - Eleftherotypia (bị đóng cửa do hết tiền mặt) cũng đang có kế hoạch phát hành ấn bản đặc biệt của tờ báo trong thời gian diễn ra bầu cử cuối tuần này.

Trước đó, ngày 16/5, Thủ tướng Chính phủ lâm thời Hy Lạp Panagiotis Pikrammenos cũng đã tuyên bố toàn bộ các thành viên thuộc nội các của ông sẽ làm việc không hưởng lương, như là một phương cách góp phần giúp đất nước tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay.

Lo ngại trước khủng hoảng kinh tế và những tin đồn gần đây về việc Hy Lạp sẽ mất địa vị thành viên khối đồng tiền chung và phải quay trở lại sử dụng đồng Drachma làm gián đoạn nguồn cung, người dân nước này đã ồ ạt rút tiền ngân hàng mua mì ống và thức ăn đóng hộp dự trữ. Nguồn tin từ các ngân hàng Hy Lạp cho biết đang có khoảng 800 triệu euro, tương đương 1 tỷ USD, bị rút khỏi các nhà băng nước này mỗi ngày.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện