Thứ Ba | 21/05/2013 13:24

Lao động châu Á gửi kiều hối về nước nhiều nhất năm 2012

Năm 2012, 60 triệu lao động châu Á gửi về nước tới 260 tỷ USD, nhiều hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, Liên Hợp Quốc cho biết.
Báo cáo về kiều hối của châu Á, do Quỹ quốc tế Liên Hợp Quốc dành cho phát triển nông nghiệp (IFAD) và Ngân hàng thế giới (World Bank) phối hợp thực hiện, cho biết, lượng kiều hối toàn thế giới năm 2012 lên tới 410 tỷ USD, trong đó châu Á chiếm tới 60%.

Nếu tính trung bình, cứ 10 gia đình ở châu Á thì có một gia đình có người thân làm việc ở nước ngoài và gửi kiều hối về nhà.

Mặc dù có được lượng kiều hối cực lớn, song hầu hết số tiền này ít khi được chính phủ các nước châu Á sử dụng cho các dự án phát triển nông thôn.

Theo phó chủ tịch quỹ IFAD Kevin Cleaver, nếu chỉ 5% trong số tiền 260 tỷ USD kiều hối được sử dụng đầu tư vào khu vực nông thôn, số tiền đó cũng lớn hơn tất cả các chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên thế giới gộp lại trong năm 2012 (ước tính vào khoảng 8,5 tỷ USD).

Báo cáo kêu gọi chính phủ các nước châu Á và các tổ chức tài chính nên tìm cách cắt giảm chi phí đối với các dòng kiều hối để đảm bảo rằng sẽ có thêm nhiều tiền hơn trong số đó được dùng cho các dự án phát triển nông thôn.

Theo đó, Liên Hợp Quốc và World Bank khuyến cáo các chính phủ châu Á nên tạo môi trường tài chính cạnh tranh hơn trong việc xử lý các khoản kiều hối, qua đó giúp giảm chi phí.

Hiện tại ở châu Á, 75% lượng kiều hối được xử lý bởi các ngân hàng, 5% khác được chuyển giao và xử lý bởi các bưu điện, còn lại 2% là các tổ chức tín dụng nhỏ lẻ, báo cáo cho biết.

Nguồn Hindubusinessline/Dân Việt


Sự kiện