Thứ Hai | 10/12/2012 10:44

Lãnh đạo Trung Quốc phát tín hiệu cải cách kinh tế

Chuyến thăm tới Thâm Quyến của tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình cho thấy ông sẽ tiếp tục tự do hóa nền kinh tế.
Cuối tuần qua, nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên trên cương vị tổng bí thư đảng Cộng sản đến Thâm Quyến, thành phố được coi là cái nôi của công cuộc cải cách cách đây hơn 3 thập kỷ.

Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình được nhiều nhà quan sát xem là động thái tương tự chuyến thăm của ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1992. Ông Đặng sau đó đã trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, người tái khẳng định cam kết ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân bất chấp làn sóng phản đối từ những người theo đường lối bảo thủ trong đảng sau cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Tập cũng được coi là nhằm mục đích nâng cao hình ảnh của mình là một nhà lãnh đạo gần gũi với người dân.

Một số nhà phân tích cũng coi chuyến thăm của ông Tập nhằm tỏ lòng kính trọng tới cha mình là cựu phó thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân, người giám sát việc xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế Thâm Quyến của Trung Quốc trong những năm 1980 khi cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình mở ra hướng phát triển vùng duyên hải Trung Quốc.

"Quyết định của lãnh đạo trung ương đảng về việc mở cửa và cải cách là hoàn toàn chính xác. Kể từ đây, chúng ta sẽ tiếp tục đi trên con đường này. Chúng ta sẽ tiếp tục kiên định theo con đường làm giàu cho đất nước, làm giàu cho người dân, nhưng chúng ta phải đẩy mạnh công tác này hơn nữa", ông Tập phát biểu trong chuyến thăm.

Ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mang lại những cái nhìn mới mẻ về Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình được kỳ vọng sẽ mang lại những cái nhìn mới mẻ về Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Tập không đưa ra thông tin chi tiết về việc liệu bằng cách nào và khi nào thì ban lãnh đạo Trung Quốc gồm 7 thành viên vừa lên nắm quyền hồi tháng trước sẽ có thể tiếp tục tự do hóa nền kinh tế trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà nước đang nắm quyền chi phối nhiều lĩnh vực quan trọng.

Mặc dù vậy, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng được coi là một tín hiệu tích cực đối với những người cho rằng Trung Quốc cần dỡ bỏ độc quyền khu vực nhà nước, trao quyền cho các doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nhiều hơn vào phúc lợi xã hội để thay đổi mô hình tăng trưởng định hướng xuất khẩu sang thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Các nhà kinh tế trong và ngoài Trung Quốc đều nhất trí rằng, muốn tiếp tục phát triển, nước này cần dựa vào kinh tế tư nhân và tiêu dùng. Điều đó có nghĩa là chính phủ phải hạn chế tầm ảnh hưởng của các doanh nghiệp nhà nước, tình trạng quan chức tham nhũng. Ông Tập cũng sẽ phải thi hành những chính sách giúp lực lượng người tiêu dùng mới gồm hàng chục triệu người ở khu vực thành thị, bằng cách tạo điều kiện cho người nhập cư sinh sống tốt hơn ở các đô thị.

Trước đó, trong cuộc họp với nhóm 20 chuyên gia nước ngoài đã sống và làm việc lâu năm tại Trung Quốc từ 16 quốc gia, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc trân trọng mối quan hệ với các quốc gia và người dân các nước, và sẽ tiếp tục chặng đường mở cửa và hợp tác với thế giới bên ngoài.

Ông cũng đã cảnh báo những hậu quả do nạn tham nhũng gây ra và kêu gọi các đảng viên, đặc biệt là các quan chức cấp cao trong đảng không nên lạm dụng chức vụ để tư lợi. Ông cũng kêu gọi các quan chức "phải tăng cường quản lý và giám sát các mối quan hệ và các đối tượng mà họ cộng tác".

Kể từ khi lên giữ chức tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình phải đối mặt với 3 thách thức chính gồm mô hình phát triển, tham nhũng và ngoại giao. Ông Tập nhận trọng trách cầm quyền cao nhất trong đảng vào một năm đặc biệt, khi những vụ án tham nhũng và lạm quyền lớn bị phanh phui, đặc biệt là vụ án liên quan đến cựu ủy viên bộ chính trị Bạc Hy Lai, người có vợ đã sát hại một doanh nhân người Anh.

Tuy nhiên, tham nhũng chưa phải là vấn đề lớn nhất ông Tập Cận Bình phải giải quyết trên cương vị lãnh đạo cao nhất Trung Quốc. Vấn đề quan trọng nhất là ông Tập Cận Bình tìm cách để đưa một chính quyền theo kiểu hệ thống Leninist thích ứng với các vấn đề kinh tế và các xung lực chính trị của thế kỷ 21, trong kỷ nguyên thông tin xã hội.

Ngoại giao cũng là vấn đề đang làm Trung Quốc đau đầu khi sa vào những tranh chấp căng thẳng về chủ quyền với nhiều nước láng giềng, trong lúc Mỹ đang tìm cách tăng sự hiện diện và ảnh hưởng trong khu vực.

Giới quan sát dự đoán ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng sẽ không quá vội đưa ra những thay đổi to lớn. Thống đốc ngân hàng trung ương nước này, ông Zhou Xiaochuan, một nhà tài chính có tư tưởng tự do, nói rằng nếu có những cải cách lớn chắc cũng phải chờ đến tháng 10 năm sau là sớm nhất. Ông Tập, cho dù có đầu óc cải cách, cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhất trí trong đảng.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện