Thứ Sáu | 14/12/2012 13:28

Lãnh đạo châu Âu cam kết hành động hơn nữa giải quyết khủng hoảng nợ

Các nhà lãnh đạo châu Âu vừa nhất trí sẽ tiếp tục vực dậy nền tài chính khu vực, đồng thời duy trì động lực giải quyết khủng hoảng nợ.
Một ngày sau khi thông qua gói viện trợ trị giá hơn 49 tỷ euro cho Hy Lạp, hôm nay 14/12 các nhà lãnh đạo tiếp tục hội đàm tại Brussel để bàn thảo về cách thức để các nước gắn bó với nhau hơn trong các mục tiêu kinh tế, đồng thời tạo lập một "quỹ chung" để kịp thời cứu trợ các nước thành viên khỏi cú sốc kinh tế.

Tại cuộc hội đàm lần này, các nhà lãnh đạo nhận định rằng các thị trường tài chính đã tạm bình ổn và cuộc khủng hoảng khu vực có dấu hiệu bớt nghiêm trọng hơn. Mặc dù chưa đưa ra quyết định cụ thể trong thời gian sắp tới, song hầu hết đều nhất trí sẽ tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo nhằm kiềm chế và dập tắt khủng hoảng, đồng thời ổn định nền tài chính khu vực.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đề xuất thiết lập một cơ chế nhằm hỗ trợ các ngân hàng gặp khó khăn, trong đó sẽ giữ lại các phần còn hoạt động khỏe mạnh và cho đóng cửa những phần yếu kém hoặc thua lỗ trong năm 2012.

Tổng thống Pháp Francois Hollande tỏ ra rất hoan nghênh ý tưởng này, song ông cũng cho biết vẫn chưa thể chắc chắn liệu cơ chế này có hoạt động hiệu quả hay không và các nhà lãnh đạo cần thời gian để triển khai và nghiên cứu.

Hội nghị thượng đỉnh lần này của các nhà lãnh đạo được diễn ra trong vòng 2 ngày. Đây cũng là hội nghị lần thứ sáu và là hội nghị cuối cùng trong năm 2012 của Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị được diễn ra chỉ vài giờ sau khi nhóm các bộ trưởng tài chính đã đạt được bước đột phá đáng kể trong các cuộc đàm phán về xây dựng một "ngân hàng liên minh" cho khu vực.

Cụ thể, các bộ trưởng chấp nhận đề xuất biến Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) thành một cơ quan có nhiệm vụ giám sát các ngân hàng khác trong khu vực đồng euro (eurozone).

Theo thỏa thuận này, ECB sẽ quản lý từ 150 đến 200 ngân hàng - bao gồm cả các ngân hàng cho vay qua biên giới và các tổ chức hỗ trợ nhà nước. Trong trường khủng hoảng nổ ra, ECB được trao đầy đủ quyền lực để can thiệp vào toàn bộ 6.000 ngân hàng khi cần thiết.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện