Ảnh: Getty Images.
Làn sóng văn hóa Hàn Quốc Hallyu đã suy yếu?
Khi nhà báo Marco Ferrarese đứng trước bức tượng đôi bàn tay bằng đồng khổng lồ, nằm bên ngoài Trung tâm Thương mại Starfield COEX ở quận Gangnam đắt đỏ của Seoul, ông không khỏi cảm thấy nhỏ bé trước sức mạnh của nền xuất khẩu văn hóa nổi tiếng nhất Hàn Quốc.
Dù là lần đầu tiên đến đất nước, nhưng ông biết ý nghĩa của bức tượng kỳ lạ này. Đây là biểu tượng của điệu nhảy Gangnam Style, một bài hát nổi tiếng năm 2012 của nghệ sĩ nhạc pop Hàn Quốc PSY, đã trở thành một cơn sốt toàn cầu. Gangnam Style cũng là video YouTube đầu tiên đạt 1 tỉ lượt xem, đưa nhạc pop Hàn Quốc đi vào sử sách.
Bàn tay Gangnam ăn mừng làn sóng Hallyu tràn vào thế giới. Hallyu, có nghĩa là làn sóng Hàn Quốc, được đặt ra vào năm 2000 bởi Shanghai Evening Post sau khi HOT, nhóm nhạc K-pop đầu tiên được thành lập bởi công ty giải trí đa quốc gia Hàn Quốc SM Entertainment, ra mắt tại Bắc Kinh. Buổi biểu diễn đó đã khơi dậy tham vọng toàn cầu hóa âm nhạc Hàn Quốc của Giám đốc SM, ông Lee Soo-man.
Bàn tay Gangnam Style bên ngoài Trung tâm Thương mại Starfield COEX ở quận Gangnam. Ảnh: Marco Ferrarese. |
Hai mươi năm sau, khi triển lãm "Hallyu! Làn sóng Hàn Quốc" tại Bảo tàng Victoria và Albert ở London chuẩn bị kết thúc vào tháng 6, ông Ferrarese đã tự hỏi không biết tầm nhìn của Chủ tịch Lee Soo-man có hướng đi nào khác hay không. K-pop đã góp phần đưa Hàn Quốc lên bản đồ giải trí toàn cầu, nhưng cơn sốt này cũng đang đứng giữa một ngã ba, khi mà ranh giới giữa "đang toàn cầu hóa" và "đã toàn cầu hóa" rất mong manh.
Theo ông Ferrarese, theo thời gian, sự bùng nổ thương mại đã pha loãng tính độc đáo từng có của Gangnam Style nói riêng và văn hóa K-pop nói chung. Mà thay vào đó là sự nhân bản của những nhóm nhạc mang vẻ đẹp trẻ trung, phi giới tính, sự nữ tính pha chút khiêu gợi, những đoạn điệp khúc và điệu nhảy không còn phá cách.
Ông Ferrarese đề cập đến nhóm nhạc nữ Aespa, sản phẩm mới nhất của SM. Được thành lập vào năm 2020 trong đại dịch COVID-19, ban nhạc có 8 thành viên nữ, trong đó có 4 người thật và 4 thành viên “ảo”. Còn MAVE, một nhóm nhạc nữ được thành lập vào năm 2023 bởi Metaverse Entertainment, thì tất cả thành viên đều được hoàn thiện bằng kỹ thuật số, với giao diện tạo bởi trí tuệ nhân tạo (A.I) và không có một thành viên người thật nào.
Theo ông Ferrarese, nếu thuật toán A.I có thể tạo ra biểu tượng K-pop dễ dàng như vậy, thì làm thế nào mà những nhóm nhạc với thành viên ảo có thể đại diện cho văn hóa Hàn Quốc?. Ông cho rằng có lẽ "cuộc khủng hoảng K-pop" cuối cùng đã đến, như tỉ phú Hàn Quốc Bang Si-hyuk, vị chủ tịch đứng sau nhóm nhạc nam nổi tiếng BTS, từng nói vào tháng 3.
Kinh doanh chậm, thậm chí xuống dốc ở một số thị trường. Theo thống kê từ Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc, doanh thu từ xuất khẩu album CD K-pop - một thước đo mức độ phổ biến toàn cầu của K-pop - đạt mức kỷ lục 233 triệu USD vào năm 2022, tăng 5,6% so với năm trước. Nhưng đây là cải thiện rất nhỏ so với mức tăng trưởng hằng năm là 62,1% vào năm 2021 và 82,6% vào năm 2020.
Những mặt hàng K-pop được bày bán trên một con phố nhỏ gần Chợ Gukje của Busan. Ảnh: Marco Ferrarese. |
Dữ liệu từ Circle Chart, bảng xếp hạng K-pop tiêu chuẩn của Hàn Quốc, cho thấy mức tăng trưởng của doanh số bán album thực tại Mỹ vào năm 2022 là 0%, so với mức tăng mạnh từ 2% năm 2015 lên 17% vào năm 2021, khiến Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới của K-pop. Xuất khẩu sang Nhật và Trung Quốc, 2 thị trường lớn nhất, tiếp tục tăng trong năm 2022, nhưng với tốc độ chậm hơn so với năm trước, trong khi doanh số bán hàng giảm ở mọi quốc gia ở Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam, một thị trường hàng đầu khác.
Sự suy giảm của làn sóng K-pop có thể là hệ quả của năm đầu tiên không có BTS, các thành viên đã tuyên bố tạm nghỉ vào tháng 10 năm ngoái để thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Hoạt động từ năm 2013, nối gót thành công toàn cầu của PSY, nhóm nhạc nam lớn nhất Hàn Quốc đã bán được hơn 20 triệu đĩa và là ban nhạc bán chạy nhất thế giới vào năm 2021.
BTS là hiện thân của bản sắc K-pop, kiêm“vũ khí mềm mạnh nhất” của Hàn Quốc. Ban nhạc gồm 7 thành viên là nghệ sĩ Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ, phát biểu trước Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu và COVID-19 vào tháng 9/2021, ngoài ra còn gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden vào năm 2022 để thảo luận về vấn đề phân biệt người châu Á tại Mỹ.
Một bức tranh vẽ các thành viên BTS ở Làng văn hóa Gamcheon, một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Busan. Ảnh: Marco Ferrarese. |
Nghịch lý thay, thành công chưa từng có của BTS, đặc biệt là ở Mỹ, có thể vừa làm tăng sự phụ thuộc của K-pop vào thị trường nước ngoài, vừa làm loãng bản sắc riêng biệt của Hàn Quốc, thứ ban đầu đã giúp nước này chiếm lĩnh thế giới.
Bằng cách hát thêm tiếng Anh và hợp tác với các nghệ sĩ Mỹ, BTS đã đưa K-pop đến gần hơn với tiêu chuẩn nhạc pop Anh - Mỹ, thu hút thị hiếu của thị trường Mỹ. Sự thay đổi này cũng dần được thể hiện rõ hơn, đặc biệt là qua hoạt động của nhóm nhạc nữ K-pop nổi tiếng nhất thế giới, nhóm nhạc 4 thành viên Blackpink. Một nửa số bài hát trong Born Pink (2022), album mới nhất của nhóm và là album đầu tiên của nhóm nữ nghệ sĩ Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng album Billboard 200, có lời bài hát hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Trừ khi giấc mơ ban đầu của ông Lee Soo-man là khiến âm nhạc Hàn Quốc trở nên ít "Hàn Quốc" hơn vì lợi ích của toàn cầu hóa và theo đuổi chủ nghĩa thương mại, thì K-pop đang bắt đầu gặp vấn đề về bản sắc, ông Ferrarese nhận định. Và giống như những bức tượng của các vị anh hùng cổ đại, bàn tay Gangnam giờ đây như một biểu tượng chỉ để ngợi ca chiến tích trong quá khứ.
Có thể bạn quan tâm:
Cuộc chiến kinh tế của Nga và phương Tây lên mức căng thẳng mới
Nguồn Nikkei Asia