Các công ty công nghệ "thắt lưng buộc bụng" vì lo sợ suy thoái kinh tế. Ảnh: Reuters.
Làn sóng sa thải nhân sự của các "ông lớn" ngành công nghệ
Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, nhiều công ty công nghệ đã lên kế hoạch cũng như bắt đầu những đợt sa thải nhân sự sau nhiều năm mở rộng quy mô.
Vào tuần trước, Microsoft thông báo sẽ sa thải 10.000 nhân viên, đồng nghĩa với việc cắt giảm 5% quy mô nhân sự của Tập đoàn. Trước đó, Tập đoàn Amazon cũng đã sa thải 18.000 nhân viên sau nhiều lần ra thông báo.
Microsoft bất ngờ thông báo sẽ sa thải 10.000 nhân sự vào hôm thứ 4. Ảnh: Reuters. |
Vài tháng trở lại đây, nhóm ngành công nghệ đã chứng kiến làn sóng sa thải nhân sự với quy mô lớn từ các công ty, nổi bật trong số đó là bốn “ông lớn” Alphabet, Meta, Amazon và Microsoft.
Mặc dù mỗi công ty đều có văn hoá và điểm khác biệt riêng, nhưng lý do chung khiến họ "thắt lưng buộc bụng" tham gia vào làn sóng sa thải này là vì nỗi lo sợ về suy thoái kinh tế có khả năng sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, một lý do khác được đưa ra là vì các công ty này đã có những đợt tuyển dụng nhân sự quá nhanh chóng vào hai năm trước.
Năm 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra, nhiều nơi phong tỏa diện rộng nhằm chống dịch bệnh đã khiến mọi người phụ thuộc vào những ứng dụng trên điện thoại nhằm phục vụ các nhu cầu hằng ngày. Hành động này đã thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ tăng cao hơn bao giờ hết. Khi kết quả kinh doanh và lợi nhuận tiếp tục tăng vào năm 2021, những công ty này quyết định tuyển dụng số lượng lớn nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và kỳ vọng sẽ tạo ra được khoản lợi nhuận khổng lồ. Nhưng không như kỳ vọng, tăng trưởng trong ngành công nghệ bị chững lại, kết quả kinh doanh không đạt được như dự đoán khiến nhiều tập đoàn phải “nhìn lại”.
Trong năm 2020, Microsoft thông báo tuyển dụng 18.000 nhân viên, tương đương tăng 11% quy mô nhân sự. Năm 2021, Tập đoàn này tiếp dụng bổ sung thêm 40.000 nhân viên vào đội ngũ công ty với tỉ lệ 22%. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, Microsoft có tổng cộng khoảng 221.000 nhân viên.
Khác với Microsoft, ngoài nhân viên hành chính, Amazon còn có nhóm nhân viên lao động làm việc ở các nhà kho. Năm 2021, với sự tăng trưởng mạnh mẽ, Amazon đã thông báo tuyển dụng 310.000 nhân sự sau khi bổ sung gần nửa triệu vị trí công việc hồi năm 2020. Tính đến cuối tháng 12 năm 2021, Amazon công bố rằng công ty có 1,6 triệu nhân viên đang làm việc, bao gồm hai khối hành chính và kho bãi.
Meta, công ty mẹ của Facebook, ghi nhận số lượng nhân viên tăng lên hàng nghìn người mỗi năm kể từ lần đầu tiên lên sàn vào năm 2012. Năm 2020, Meta tuyển dụng 13.000 vị trí nhân sự (tương đương 30%) và đây cũng là năm có quy mô tuyển dụng lớn nhất trong lịch sử của công ty. Năm 2021, công ty tiếp tục bổ sung 13.000 nhân viên, đánh dấu hai năm liên tiếp mở rộng nhân sự với quy mô lớn nhất.
Tương tự như các Tập đoàn công nghệ khác, Alphabet đã bổ sung 21.000 nhân viên (tương đương 15%), nâng tổng số lượng nhân viên của công ty lên 156.500 vào năm 2021. Trước đó ở năm 2020, Alphabet cũng đã tuyển thêm 16.000 nhân viên vào làm việc.
Tuy nhiên, vẫn có một ngoại lệ trong ngành công nghệ. Không ghi nhận tỉ lệ gia tăng đáng kể, cũng không có bất kỳ thông báo cắt giảm nào giữa làn sóng tuyển dụng và sa thải nhân sự kể từ hai năm trước đến nay, Apple chính là công ty công nghệ duy nhất đứng ngoài cuộc chơi.
Apple là công ty công nghệ duy nhất đứng ngoài làn sóng sa thải. Ảnh: CNBC. |
Tính đến tháng 9/2022, Apple có 164.000 nhân viên, bao gồm cả nhân viên công ty cũng như nhân viên bán lẻ cho các cửa hàng của hãng. Từ báo cáo của Apple ghi nhận công ty tuyển dụng dưới 7.000 nhân viên năm 2020 và khoảng 10.000 nhân viên vào năm 2021. Apple luôn nổi tiếng với việc tuyển dụng nhân sự một cách thận trọng, điều đó cũng giải thích lý do vì sao công ty này có thể đứng ngoài làn sóng tuyển dụng và sa thải nhân sự hiện nay.
Có thể bạn quan tâm:
Mỹ chi hàng tỉ USD cho lĩnh vực "dầu mới"
Nguồn CNBC