Thứ Bảy | 30/11/2013 15:34

Làn sóng mới từ Trung Quốc

Trung Quốc đang mở rộng phạm vi và khối lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.
Jharkhand là một bang hẻo lánh có nhiều dân tộc sinh sống nằm ở phía Đông Ấn Độ. Có thể coi đây là quê hương của ngành thép nước này. Đây là nơi có nhà máy thép đầu tiên của Ấn Độ - nhà máy được xây dựng năm 1908 với tiền từ chính phủ Ấn Độ và trở thành niềm tự hào của quốc gia. Tuy nhiên, một nhà máy mới đang mọc lên với một cách tiếp cận hoàn toàn khác.

Sở hữu bởi Electrosteels Steel, nhà máy này được xây dựng bởi các nhà thầu Trung Quốc và trang bị máy móc Trung Quốc. Điều này vẫn xảy ra bất chấp chính phủ Ấn Độ chần chừ không muốn cấp thị thực cho các công nhân Trung Quốc. Giờ đây, nhà máy đang mong muốn nâng công suất với hi vọng Trung Quốc sẽ cung cấp số vốn đầu tư 250 triệu USD.

Làn sóng mới từ Trung Quốc (1)
Hi vọng này không phải không có cơ sở. Trung Quốc vốn nổi tiếng về khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, một lượng lớn vốn cũng đang chảy ra theo chiều ngược lại. Theo số liệu chính thức, vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đã vượt 77 tỷ USD trong năm 2012 - tăng 12,6% so với năm trước đó. ODI vẫn tiếp tục tăng lên bất chấp FDI có năm giảm đầu tiên kể từ cao trào của khủng hoảng tài chính toàn cầu.


Dẫu vậy, Trung Quốc vẫn là "người mới" trong lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bỉ, Hà Lan và Tây Ban Nha chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều. Và, kể từ năm 2005, mặc dù Trung Quốc đã rót hơn 50 tỷ USD vào Mỹ, lượng vốn này chỉ tương đương với 2% tổng vốn chảy vào Mỹ, theo số liệu từ Heritage Foundation (tổ chức có trụ sở ở Washington, DC).

Vốn ODI của Trung Quốc sẽ tăng lên nhiều nếu như các nước nhận vốn tỏ ra thân thiện hơn. Quỹ Heritage Foundation thừa nhận các thương vụ trị giá khoảng 200 tỷ USD đã thất bại do những yếu tố như bất đồng về quan điểm chính trị và các rào cản về luật pháp. Ở phương Tây, vốn ODI của Trung Quốc cũng bị hoài nghi vì có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước. Điều này được coi là mối đe dọa đối với thị trường cạnh tranh và đôi lúc còn là với an ninh quốc gia.

Tin tốt là tỷ lệ vốn đến từ các doanh nghiệp tư nhân đang tăng lên. Tỷ lệ của năm 2012 là 9,5% - tăng mạnh so với 4% cách đây 2 năm. Những hoài nghi của các nước khác có thể dần phai nhạt, đồng thời nhà đầu tư Trung Quốc cũng có những lựa chọn khác. Zhao Changhui - chuyên gia đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc - than phiền rằng các công ty Trung Quốc đang lãng phí thời gian và công sức để cố gắng thuyết phục đối tác đa nghi ở phương Tây. Thay vào đó, Trung Quốc có thể đầu tư vào châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Các khu vực này đang háo hức đón chờ dòng vốn, bất chấp đó là của doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân.

Nhà đầu tư Trung Quốc có thể bắt đầu với một vài nhà máy thép ở Jharkhand.

Nguồn CafeF


Sự kiện