Thứ Năm | 31/05/2012 12:12

Làn sóng bán tháo trái phiếu Tây Ban Nha, Italia do khủng hoảng nợ

Hôm qua 30/5, một làn sóng bán tháo trái phiếu Tây Ban Nha đã bùng phát do lo ngại Tây Ban Nha không thể cứu được các ngân hàng của mình.
Mọi thị trường giao dịch lớn tại châu Âu đều sụt giảm. Thị trường chứng khoán Hy Lạp giảm 3,2% trong khi chỉ số chứng khoán Tây Ban Nha mất 2,6%. Tại Mỹ, chỉ số Dow Jones giảm 1,3%. Thị trường châu Á cũng đột ngột giảm mạnh vào đầu phiên giao dịch hôm nay 31/5.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha đã tăng mạnh, ngang bằng với tháng 11/2011, thời điểm trước khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tung gói cứu trợ 1 nghìn tỷ euro để làm dịu cuộc khủng hoảng eurozone. Theo Tradewb, lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha đứng ở mức 6,69% vào ngày hôm qua 30/5.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường nợ của các nước yếu kém như Tây Ban Nha và Italia và chuyển sang các nước mạnh hơn. Điều này dấy lên làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng.

Làn sóng bán tháo trái phiếu Tây Ban Nha hôm qua càng làm tăng lo ngại về việc liệu Chính phủ Tây Ban Nha sẽ làm cách gì để tái cơ cấu vốn cho ngân hàng Bankia, ngân hàng cho vay lớn tại Tây Ban Nha đang phải vật lộn với các khoản nợ.

Những dấu hiệu trên cho thấy khoản vay của ECB đã thất bại trong việc kìm hãm các khoản nợ của Tây Ban Nha đang đe dọa tương lai khu vực đồng euro.

Nếu như trái phiếu chính phủ không tìm được người mua, các nước như Tây Ban Nha và Italia sẽ nhanh chóng bị cạn quỹ. Vào thời điểm này, ECB đang bơm tiền cho các ngân hàng để họ mua lại nợ chính phủ. Tuy nhiên, động thái đó đang cho thấy những dấu hiệu làm dịu cuộc khủng hoảng.

Mới đây, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất việc eurozone nên xây dựng một ngân hàng liên minh để san sẻ bớt gánh nặng giải cứu các nước đang gặp khó khăn và xem xét việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bằng cách sử dụng quỹ cứu trợ tài chính lâu dài.

Tuy nhiên, ý tưởng này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Đức, nền kinh tế mạnh nhất châu Âu. Những thông điệp mâu thuẫn đó như một lời cảnh báo với các nhà đầu tư rằng, sau hơn hai năm chìm đắm trong khủng hoảng, dường như sẽ không có dấu hiệu nào cho thấy eurozone sẽ tìm được một giải pháp thích hợp.

Nguồn WSJ/DVT


Sự kiện