Thứ Năm | 19/12/2013 11:21

Làn sóng bán tháo cổ phiếu thị trường mới nổi sẽ tái diễn sau quyết định của Fed?

Nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi trái phiếu lớn hơn so với cổ phiếu.
Liệu nhà đầu tư có rút vốn ra khỏi các thị trường mới nổi sau khi Cục dự trữ Liên bang (Fed) quyết định cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng (QE)?

Theo các chuyên gia chiến lược, mặc dù các nhà đầu tư sẽ không bán tháo cổ phiếu ở các thị trường mới nổi như đã từng xảy ra vào cuối tháng 5, một số nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Ấn Độ và Indonesia vẫn rất dễ bị tổn thương trước ảnh hưởng của việc cắt giảm QE.

Theo Manpreet Gill, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered Bank, vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các nước có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn.

Tai Hui, chuyên gia chiến lược của J.P. Morgan Funds, cho biết "Tôi nghĩ lượng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi sẽ không quá nhiều."

Theo ông Hui, nguy cơ dòng vốn chảy ra khỏi thị trường trái phiếu sẽ lớn hơn so với thị trường cổ phiếu ở các quốc gia có nền kinh tế mới nổi.

Quyết định cắt giảm QE đã tạo áp lực khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi giảm giá. Đồng Rupiah của Indonesia giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm (12,190 INR/USD) và đồng Peso của Philippines chạm đáy 3 tháng (44,39 PHP/USD).

Từ tháng 5-8, nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu tại các thị trường mới nổi do lo ngại Fed cắt giảm gói QE khiến cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt.

Theo Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế của Crédit Agricole, "Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sẽ tạo áp lực khiến giá trị đồng tiền của các thị trường mới nổi sụt giảm. Thị trường tiền tệ (tại các thị trường mới nổi) có mối tương quan ngược chiều với giá trị đồng USD."

Nguồn Dân Việt/CNBC


Sự kiện