Thứ Năm | 06/11/2014 20:00

Làn sóng bán cổ phần ở Đông Nam Á

Các công ty cổ phần tư nhân ở khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng bán đi cổ phần mua từ các công ty khác dù thời gian nắm giữ không dài, chưa đầy 3 năm kể từ thời gian mua.

Các công ty đang vội vàng bán "lúa non" các khoản đầu tư vì sợ một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nữa có thể gây ra làn sóng bán tháo tại các thị trường mới nổi, theo Nicholas Bloy, người sáng lập công ty cổ phần tư nhân Navis Capital Partners ở Đông Nam Á.

Việc thời gian nắm giữ cổ phần ngày càng giảm xuống đến từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như việc thay đổi quyền nắm giữ bị hạn chế, hoặc do đã có ghế trong hội đồng quản trị, hoặc vì muốn đầu tư vào những thứ khác.

Trong các vụ mua bán gần đây, đa số các công ty có lượng cổ phần mua lại từ 49% hoặc cao hơn. Vấn đề bán đi không phải là vì người sở hữu không tạo được "tiếng nói" mà đôi khi chỉ là để nắm bắt một cơ hội kinh doanh mới đang mở ra.

Chua Soon Ghee - đối tác quản lý của A.T. Kearney chi nhánh Đông Nam Á được đặt ở Singapore cho rằng: "Việc bán cổ phần sở hữu khoảng 3 năm hoặc chưa đến 3 năm của các công ty cũng là một cơ hội để tăng vốn".

Cụ thể, CVC Capital Partners là một trong số các nhà đầu tư đã tăng vốn 450 triệu USD nhờ bán số cổ phần ở một công ty truyền hình cáp Indonesia là PT Link Net, chỉ 3 năm sau khi CVC mua 49% với giá 275 triệu USD.

Một công ty khác là KKR của Mỹ cũng đã nhờ đến ngân hàng giúp bán số cổ phần ở công ty sản xuất trực thăng Malaysia-Weststar Aviation với giá khoảng 500 triệu USD đúng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu vào năm tới. KKR đã mua 49% cổ phần của Weststar hồi năm ngoái với giá 200 triệu USD.

Theo một số người trong ngành, kể từ khi được KKR đầu tư, Weststar đã dùng tiền đó để mở rộng trong khu vực và hiện trị giá của công ty cũng đã tăng lên đáng kể.

Đầu năm nay, Baring Private Equity Asia cũng đã bán 41,65% cổ phần ở PT Cardig Aero Services Tbk của Indonesia- một công ty dịch vụ hàng không, cho SATS Ltd có trụ sở tại Singapore với giá 93,5 triệu USD. Được biết, Baring đã mua số cổ phần trên vào cuối năm 2011 với giá 41 triệu USD.

Kiểu bán nhanh này ít phổ biến trong những năm trước bởi thông thường các nhà đầu tư mua và nắm giữ trong một thời gian dài.

Chẳng hạn công ty TPG Capital đã giữ cổ phần của PT Bank Tabungan Pensiunan Nasional BTPN- ngân hàng cho vay của Indonesia, đến 5 năm (2008) trước khi bán nó vào năm 2013, trong khi đó công ty tư nhân Mekong Capital bán lại cổ phần ở Mobile World, một công ty bán lẻ điện thoại di động của Việt Nam, sau 6 năm sở hữu.

Trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Asia PE Index, ấn phẩm chuyên thực hiện phân tích hiệu suất các danh mục đầu tư của các công ty cổ phần tư nhân trong khu vực, thì toàn Đông Nam Á, tình trạng bán cổ phần ở các công ty tư nhân đã gia tăng những năm gần đây, với lượng tiền lên đến 10 tỉ USD trong 5 năm qua, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2005-2009.

Stuart Walker đến từ Boston Consulting Group nói: "Việc thoái vốn ở các công ty cổ phần tư nhân có thể cho phép họ quay vòng vốn vào những đầu tư mới có tiềm lực lợi nhuận cao hơn". Thị trường chứng khoán tăng điểm cộng với nhu cầu của người mua là động lực để các công ty bán ra với giá cao, Walker cho biết thêm.

Tại Trung Quốc, hình thức rút lui hoặc bán cổ phần nắm giữ chưa đầy 2 năm là rất phổ biến. Chỉ riêng trong năm nay đã có 5 công ty bán đi cổ phần của họ ở các công ty niêm yết ở Hong Kong bao gồm iashili Group Ltd, Shanghai La Chapelle Fashion Co, iDreamsky Technology Ltd, China Shengmu Organic Milk Ltd và Ourgame International Holdings.

Nguồn: DVO/WSJ