Làn gió chính trị xoay chiều, ai sẽ là tân lãnh đạo Fed ?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang phải đối mặt với việc bị can thiệp bởi các chính trị gia, từ đó có thể đánh mất khả năng hành động độc lập.
Mối nguy này đến từ các chính sách của Fed trong những năm qua, khi cơ quan này phải đối mặt với tình trạng lạm phát thấp và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng. Việc Fed giữ lãi suất thấp và nới lỏng định lượng là chủ đề chỉ trích của giới chính khách. Họ cho rằng những chính sách như vậy làm giảm đi tiền lãi của người gửi tiền và chỉ giúp người giàu càng giàu thêm, thông qua thị trường chứng khoán. Chính ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử của mình cũng đã chỉ trích Fed về việc giữ lãi suất thấp quá lâu.
Fed đã chấm dứt gói nới lỏng định lượng (QE) thứ 3 vào tháng 10 năm 2014 và đã nâng lãi suất dần dần từ cuối năm 2015. Mặc dù bảng cân đối của Fed vẫn có tổng tài sản ở mức 4,5 nghìn tỷ USD, tăng gần 5 lần trong vòng 1 thập kỷ, Fed đã và đang có những biện pháp nhằm bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Lượng tài sản của Fed đã gia tăng cực mạnh trong vòng 10 năm qua. Ảnh: wolfstreet.com |
Áp lực chính trị
Dù vậy, Fed phải đối mặt với 2 rủi ro chính trị. Một là các luật lệ mới thu hẹp quyền lực của Fed. Cơ quan này hiện có toàn quyền để thực hiện nhiệm vụ kép của mình là bình ổn giá cả và toàn dụng nguồn nhân công. Các chính trị gia đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ không thích điều này. Ho muốn trói buộc Fed bằng một luật lệ yêu cầu cơ quan này phải thiết lập lãi suất theo các tiêu chuẩn như là năng lực sản xuất dư thừa của nền kinh tế. Nếu Fed đi chệch khỏi các tiêu chuẩn này, họ phải giải thích lại với quốc hội.
Luật lệ trên vẫn đang quá trình phôi thai, vì nó có thể không áp dụng được. Trong một bài phát biểu vào tháng 1/2017, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho rằng một luật như vậy có thể đẩy lãi suất lên rất cao. Nền kinh tế Mỹ rất phức tạp, và sẽ phải thay đổi rất nhiều nếu muốn áp dụng một luật lệ “thô thiển” như thế, theo đánh giá của Reuters.
Mối lo thứ 2 của Fed là việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo của cơ quan này sẽ chịu sự chi phối từ giới chính khách, và nguy cơ này có nhiều khả năng trở thành hiện thực hơn. Hiện có 2 vị trí trống trong ban điều hành 7 người của Fed (Board of Governors) đang chờ đợi đề cử bởi Tổng thống và phê chuẩn từ Thượng viện. Vào đầu tháng 4 tới đây, ông Daniel Tarullo, vị lãnh đạo Fed vốn thúc đẩy các luật lệ nhằm quản lý ngành ngân hàng chặt chẽ hơn, cũng sẽ rời ban điều hành. Khi đó, Fed sẽ có 3 vị trí lãnh đạo cần phải lấp đầy.
Vị trí chủ tịch và phó chủ tịch Fed được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 4 năm. Bà Yellen sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 1/2018 và do ông Trump đã từng cáo buộc bà đã bị “chính trị hóa”, có nhiều khả năng bà sẽ phải ra đi. Phó chủ tịch Stanley Fischer sẽ hết nhiệm kì vào giữa năm sau, và nhiều khả năng ông sẽ cũng bị thay thế.
Cơ chế vận hành của Fed: Quốc hội giám sát toàn hệ thống Fed. Ban Điều hành (Board of Governors - BoG) là một cơ quan độc lập của chính phủ, giám sát hoạt động của các chi nhánh Fed. Ủy ban Thị trường Mở (FOMC) bao gồm các thành viên của BoG và các chủ tịch chi nhánh của Fed; chủ tịch BoG cũng là chủ tịch FOMC. Ảnh: Fed |
Những biến động nhân sự của Fed giúp Trump có cơ hội định hình lại cơ quan này theo ý ông muốn. Theo Reuters, với xuất thân là một tỷ phú bất động sản, có nhiều khả năng Trump sẽ chọn những ứng viên ủng hộ việc tiếp tục nới lỏng tiền tệ, thay cho những người muốn nâng lãi suất. Khả năng này khá hợp lý, khi tính đến việc thắt chặt tiền tệ sẽ làm đồng USD mạnh lên, đi ngược lại với mong muốn của Trump về việc cải thiện cán cân thương mại của Mỹ với các nước khác. Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ đề cử một phó chủ tịch giám sát có đồng quan điểm với ông về việc giảm bớt các luật lệ tài chính.
Chủ tịch Fed nên là ai?
Để trả lời câu hỏi này, Business Insider đã có buổi nói chuyện với nhà kinh tế học Robert Shiller, người từng đoạt giải Nobel Kinh tế 2013.
Theo ông thì việc Fed tăng lãi suất sẽ có ảnh hưởng thế nào đến giá trị các tài sản?
Vấn đề ở đây là liệu mức độ nâng lãi suất có lớn như mong đợi hay không. Dù sao thì mọi người cũng đã kì vọng Fed nâng lãi suất rồi, và điều này đã có tác động đến lãi suất dài hạn và giá trị của đồng USD. Vì thế, câu hỏi là, liệu Fed sẽ nâng lãi suất ở mức cao hơn hay thấp hơn mức mà thị trường kì vọng? Và câu hỏi nữa là, người thay thế bà Yellen là ai và lập trường của người ấy như thế nào?
Ông cho rằng Chủ tịch của Fed nên là ai?
Tôi nghĩ họ nên giữ bà Janet Yellen, bà ấy quá tuyệt. Nhưng dĩ nhiên là ông Trump sẽ không làm như vậy.
Nhà kinh tế học Robert Shiller từng dự báo trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 3 năm trước khi nó xảy ra. Ảnh: New York Times |
Vậy ông có mường tượng gì về người sẽ kế vị bà Yellen không?
Tôi nghĩ là người thay thế bà Yellen có thể là một doanh nhân thành đạt. Một người đàn ông. Và có lẽ là người không quan tâm hay ấn tượng về Fed, một người có cùng quan điểm với ông Trump về việc giảm bớt luật lệ, không can thiệp và để cho giới doanh nhân tự do kinh doanh .
Và trong trường hợp xấu nhất mà ông tưởng tượng ra, ai là người mà ông cho là tệ nhất để nắm giữ trọng trách này? Ông không cần nêu tên một ai đó, nhưng có thể gợi ý cho chúng tôi về mẫu người nào đó?
Chính trị gia Ron Paul, người đã viết cuốn sách “Kết thúc Fed”.
Bá Ước
Nguồn Reuters/Business Insider