Ảnh: Internet

 
Vũ Hạo Thứ Tư | 04/03/2020 11:02

Lần đầu tiên trong 150 năm, lợi suất trái phiếu tham chiếu của thế giới xuống dưới 1%

Thật khó mà diễn tả dấu ấn lịch sử trên thị trường trái phiếu vào ngày thứ Ba (03/03).

Sau đợt hạ lãi suất khẩn cấp trong đêm qua, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn được xem là lãi suất chuẩn “phi rủi ro” cho các giao dịch tài chính trên thế giới – đã giảm xuống dưới 1%. Theo nghiên cứu của Robert Shiller, Chuyên gia kinh tế từng đạt giải Nobel, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chưa từng rớt xuống thấp như thế này. Nhiều sự kiện quan trọng đã làm lay chuyển nước Mỹ kể từ thời Tổng thống Ulysses S. Grant, nhưng chẳng có sự kiện nào đủ mạnh để đẩy lợi suất xuống thấp như thế này.

Diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nguồn: Bloomberg.
Diễn biến lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm. Nguồn: Bloomberg.

Quyết định hạ lãi suất khẩn cấp không được đón nhận tốt và dường như thị trường xem là biện pháp đầy tuyệt vọng. Trong quá khứ, sau các đợt hạ lãi suất khẩn cấp là các điều kiện cùng cực trên thị trường vốn.

Khi Fed dưới thời Chủ tịch Alan Greenspan thực hiện hạ lãi suất khẩn cấp trong tháng 10/1998 nhằm vực dậy thị trường tài sản có thu nhập cố định sau cú sụp của quỹ Long-Term Capital Management, chỉ số S&P 500 tăng 50% trong 18 tháng kế tiếp. Đợt cắt giảm sau đó bị chỉ trích nặng nề như một sai lầm đã châm ngòi cho bong bóng Dotcom. Trong khi đó, đợt hạ lãi suất khẩn cấp hồi tháng 1/2008 – thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lộ rõ – cũng chẳng giúp ích gì nhiều. Khủng hoảng vẫn xảy ra và chứng khoán rớt 50% trước khi phục hồi trở lại.

Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ sau những đợt hạ lãi suất khẩn cấp. Nguồn: Bloomberg
Diễn biến thị trường chứng khoán Mỹ sau những đợt hạ lãi suất khẩn cấp. Nguồn: Bloomberg

Các tín hiệu ban đầu của đợt giảm lãi suất khẩn cấp mới nhất cũng không khả quan. Chính sách tiền tệ không thể trực tiếp giải quyết vấn đề sức khỏe công cộng. Ý định của họ là giảm thiểu áp lực tài chính và từ đó giảm bớt tác động kinh tế của virus corona. Đà giảm kéo theo đó trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy áp lực tài chính không giảm bớt chút nào.

Chỉ số điều kiện tài chính của Bloomberg – vốn bao gồm 9 chỉ số khác nhau – giảm trong ngày thứ Ba (03/03) sau khi phồi phục trong ngày trước đó. Giờ thì chỉ số này đã trở lại mức đáy trong đợt bán tháo vào đêm vọng Giáng sinh năm 2018. Mục tiêu của đợt hạ lãi suất lẽ ra là để cải thiện điều kiện tài chính, nhưng kết quả lại cho thấy điều ngược lại.

Chỉ số điều kiện tài chính dưới ngưỡng 0 cho thấy các điều kiện tài chính đang thắt chặt, trong khi trên ngưỡng 0 cho thấy các điều kiện đang được nới lỏng:

Các điều kiện tài chính. Nguồn: Bloomberg
Các điều kiện tài chính. Nguồn: Bloomberg

Tuy nhiên, đợt hạ lãi suất thực sự gia tăng áp lực lên đồng USD, đẩy chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ Mỹ và Đức về mức chưa từng thấy kể từ mùa hè năm 2016. Điều này khiến đồng USD suy yếu – đáp ứng một mong muống của chính quyền Mỹ.

Ngoài ra, điều này cũng cho thấy các điều kiện tài chính Mỹ đang dần hội tụ về tình trạng ở Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) – nơi mà lợi suất thấp hoặc âm đã trở thành điều bình thường.

* Chuyên gia quốc tế: “Tôi bị sốc trước đợt hạ lãi suất của FED”

WHO: Tỷ lệ tử vong của virus corona trên toàn cầu là 3,4%, cao hơn ước tính trước đó là 2,3%

Nguồn Bloomberg