Lạm phát quay lại - Rủi ro lớn nhất với kinh tế châu Á
Ngân hàng trung ương Philippines hôm nay 15/1 cho rằng, năm 2013, lạm phát của nước này vẫn trong tầm kiểm soát và chính sách lãi suất thấp của họ vẫn còn phù hợp.
Ngân hàng trung ương Indonesia vẫn giữ lãi suất siêu thấp 5,75% và tuyên bố lạm phát Indonesia vẫn có thể kiểm soát được. Trong khi đó, Hàn Quốc cũng vừa hạ dự báo lạm phát và có thể tiếp tục hạ lãi suất.
"Mọi người nghĩ hiện giờ lạm phát không phải vấn đề quan tâm, nhưng thực sự lạm phát đang quay trở lại, và nếu trước kia lạm phát đi cùng với nỗi lo giá lương thực và năng lượng thì hiện giờ là vấn đề lương, đó thực sự là mối đe dọa nghiêm trọng hơn”, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của HSBC tại châu Á, ông Frederic Neumann, bình luận.
Ông này cho rằng, sức ép về lương sẽ đặc biệt lớn ở Thái Lan, Indonesia, Singapore và Hong Kong.
"Giải pháp nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ không thể kéo dài mãi bởi lạm phát đang trở lại và tôi cho rằng lạm phát ở các thị trường mới nổi sẽ sớm hơn so với người ta nghĩ”, ông Neumann nói.
Ông dự báo, Indonesia, Thái Lan và Hàn Quốc sẽ là những nước đầu tiên tăng lãi suất ở châu Á, mở đầu chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie hồi đầu tháng này cho CNBC hay, ông tin rằng Ấn Độ và các nước Đông Nam Á sẽ bị hưởng nhiều nhất bởi rủi ro lạm phát. Ông dự đoán, lạm phát của Ấn Độ có thể lên tới 10%, trong khi của Đông Nam Á là 5%.
Tăng lương tối thiểu ở một số nước Đông Nam Á có thể kéo theo lương tăng. Thực tế, Thái Lan mới đây nâng lương tối thiểu lên 10 USD/ngày,trong khi Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á được cho là sẽ thực hiện kế hoạch tăng lương tối thiểu theo tỷ lệ phần trăm 2 con số.
Trưởng bộ phận chuyên trách vấn đề kinh tế châu Á của Credit Suisse tại Singapore cho rằng, lạm phát chưa thể là mối đe dọa lớn cho các nền kinh tế châu Á năm 2013, ngoại trừ Indonesia do tăng trưởng quá nóng.
Nguồn CNBC/Khampha