Chỉ số lạm phát có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang vào một vị thế thậm chí còn quyết liệt hơn.

 
Nguyên Hồ Thứ Sáu | 15/07/2022 11:27

Lạm phát Mỹ lập kỷ lục mới trong tháng 6

Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động (BLS), người tiêu dùng đang chi trả nhiều hơn cho các mặt hàng trong tháng 6, khi lạm phát tiếp tục kìm hãm nền kinh tế Mỹ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ, một thước đo về hàng hóa và dịch vụ hàng ngày liên quan đến chi phí sinh hoạt, đã tăng 9,1% so với một năm trước, cao hơn mức 8,8% mà Dow Jones ước tính. Điều đó đánh dấu tốc độ lạm phát nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 1981.

 

Nếu loại trừ giá thực phẩm và năng lượng biến động, thì CPI cũng tăng 5,9%, so với mức ước tính 5,7%. Lạm phát cơ bản đạt đỉnh 6,5% vào tháng 3 và đã giảm dần kể từ đó.

Ông Robert Frick, nhà kinh tế doanh nghiệp tại Navy Federal Credit Union, cho biết: “Mặc dù sự tăng vọt của CPI được dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực, vốn là những vấn đề toàn cầu, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước vẫn tiếp tục tăng, từ nhà ở cho đến ô tô đến quần áo.”

Chỉ số lạm phát có thể đẩy Cục Dự trữ Liên bang vào một vị thế thậm chí còn quyết liệt hơn. Khiến giới đầu tư quan ngại về tốc độ tăng lãi suất sắp tới. 

Nhìn chung, giá năng lượng tăng 7,5% trong tháng và tăng 41,6% trong năm. Chỉ số lương thực tăng 1%, trong khi chi phí nhà ở, chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI tăng 0,6% trong tháng và tăng 5,6% hàng năm. Đây là tháng thứ sáu liên tiếp chi tiêu cho thực phẩm của các hộ gia đình tăng ít nhất 1%.

Theo Cục thống kê Lao động (BLS), chi phí thuê nhà đã tăng 0,8% trong tháng 6, mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4 năm 1986.

Phần lớn sự gia tăng lạm phát đến từ giá xăng dầu, vốn đã tăng 11,2% trong tháng và chỉ giảm 60% theo năm. Chi phí điện tăng lần lượt 1,7% và 13,7%. Giá xe mới và cũ được công bố mức tăng tương ứng hàng tháng là 0,7% và 1,6%.

Chi phí chăm sóc y tế tăng 0,7% trong tháng, do dịch vụ nha khoa tăng 1,9%, mức tăng hàng tháng lớn nhất từng được ghi nhận đối với lĩnh vực đó trong dữ liệu từ năm 1995.

Giá vé máy bay là một trong số ít lĩnh vực giảm, giảm 1,8% trong tháng 6 mặc dù vẫn tăng 34,1% so với một năm trước. Nhóm thịt, gia cầm, cá và trứng cũng giảm 0,4% trong tháng nhưng tăng 11,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Fed hiện vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời cho một tình huống bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm chuỗi cung ứng tắc nghẽn, nhu cầu hàng hoá và dịch vụ quá lớn, và hàng nghìn tỉ USD tiền kích cầu trong đại dịch COVID-19.

Từ tháng 3 đến nay, Fed đã có 3 lần nâng lãi suất, đưa lãi suất quỹ liên bang - tức lãi suất cơ bản – tăng từ 0-0,25% lên 1,5-1,75%. Fed được cho là sẽ tiếp tục nâng lãi suất cho tới khi lạm phát giảm gần về mức mục tiêu 2%.

Nỗi lo của thị trường tài chính hiện nay là nếu Fed tăng lãi suất quá nhanh và quá mạnh, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái. Đây là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ liên tục giảm mạnh gần đây.

Có thể bạn quan tâm:

 Mặc cho các lệnh trừng phạt, thặng dư của Nga cao kỷ lục nhờ xuất khẩu dầu khí

Nguồn CNBC