Hàng hóa tại một nhà kho bán buôn ở Colombo, Sri Lanka. Ảnh: Bloomberg.

 
Nguyên Hồ Chủ Nhật | 02/07/2023 21:28

Lạm phát giảm mạnh tại Sri Lanka

Sri Lanka cần hoàn thành tái cơ cấu nợ trong nước trước đợt xem xét đầu tiên của IMF về gói cứu trợ trị giá 3 tỉ USD vào tháng 9.

Lạm phát của Sri Lanka đã hạ nhiệt trong tháng 6 do lãi suất và thuế tăng cao làm giảm nhu cầu, trong khi dòng vốn vào tăng giúp thúc đẩy nguồn cung các mặt hàng thiết yếu. 

Lạm phát của Sri Lanka đã giảm từ mức 25,2% trong tháng 5 năm vừa qua và chỉ còn 12%, so với mức cao nhất gần 70% ghi nhận vào tháng 9 năm ngoái.

Ngân hàng trung ương kỳ vọng lạm phát sẽ đạt một con số vào đầu quý thứ ba, so với kỳ vọng của IMF về mức lạm phát mục tiêu 4% - 6% sẽ đạt được vào đầu năm 2025.

Quốc đảo này đang đạt được tiến bộ trong nỗ lực tái cơ cấu nợ. Sri Lanka tuần này đã công bố kế hoạch tái cấu trúc khoảng 19,8 tỉ USD tín phiếu và trái phiếu, tương đương với một nửa gánh nặng nợ trong nước, để đáp ứng các điều khoản cứu trợ từ IMF. Các nhà chức trách cũng đang đàm phán các điều khoản với những người nắm giữ trái phiếu quốc tế và các chủ nợ song phương của quốc gia, dự kiến cắt giảm 30% giá trị trái phiếu định giá bằng đồng USD, bao gồm cả trái phiếu quốc tế.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka hồi đầu tháng này đã cắt giảm lãi suất cơ sở cho vay thường trực, lần đầu tiên sau gần 3 năm, trong bối cảnh lạm phát giảm nhanh hơn. 

 

Theo Bloomberg, Sri Lanka mới chỉ đi được một phần tư chặng đường để đáp ứng các cam kết với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nhưng kết quả cải cách đã bắt đầu thể hiện trên thị trường trái phiếu. Mảnh ghép lớn còn thiếu là cơ cấu lại nợ phải trả trong nước.

Sri Lanka cần hoàn thành việc tái cơ cấu nợ trong nước trước đợt xem xét đầu tiên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về gói cứu trợ trị giá 3 tỉ USD vào tháng 9. Sự cân bằng phù hợp giữa nhu cầu của các tổ chức trong nước, trái chủ nước ngoài và chủ nợ song phương sẽ là chìa khóa để đạt được tính bền vững của nợ, như dự kiến ​​của bên cho vay có trụ sở tại Washington. Nó cũng sẽ giúp nền kinh tế của quốc gia phục hồi sau cuộc khủng hoảng khiến nước này vỡ nợ vào năm ngoái trong bối cảnh dự trữ đang cạn kiệt. 

Tháng 4 năm ngoái, Sri Lanka đã phải tuyên bố vỡ nợ nước ngoài trị giá 46 tỉ USD và nước này không có đủ ngoại tệ để chi trả cho nhiều mặt hàng thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và thuốc men, gây ra tình trạng khan hiếm, đẩy giá cả tăng cao.

Có thể bạn quan tâm: 

Apple trở thành công ty 3.000 tỉ USD đầu tiên trên thế giới

Nguồn Bloomberg