Từ Trung Quốc đến Singapore, các ngân hàng ở châu Á đã có một năm đầy biến động, với một số tăng trưởng mạnh và số khác chịu áp lực. Ảnh: Nikkei Asia.
Lãi suất tăng thúc đẩy các ngân hàng châu Á nhưng nhiều rủi ro đang chờ
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong năm nay đã tạo ra tâm lý đối với nhiều Ngân hàng Trung ương châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản. Kết quả là, những ngân hàng ở hai nền kinh tế lớn nhất khu vực không được hưởng mức lợi nhuận cho vay cao như ở những nơi khác.
Ông Attila Kincses, đối tác tại công ty tư vấn McKinsey cho biết: “Có những động thái khác biệt đáng kể ở cấp quốc gia và cấp ngân hàng trong khu vực. Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng do suy thoái thị trường. Nhật Bản có thể vẫn tăng trưởng chậm lại, vì lãi suất có thể duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, hạn chế khả năng sinh lời của ngân hàng."
Điều đó cũng khiến 2 nước này mâu thuẫn với các xu hướng toàn cầu. Trên toàn thế giới, lợi nhuận của các ngân hàng cho vay đạt mức cao nhất 14 năm trong năm nay, theo Đánh giá thường niên về ngân hàng toàn cầu của McKinsey được công bố trong tháng này. Doanh thu đạt 6,5 nghìn tỉ USD do lãi suất cao hơn đã thúc đẩy biên lãi ròng (NIM) tăng mạnh. NIM được sử dụng như một thước đo khả năng sinh lời của ngân hàng.
Những khó khăn của thị trường BĐS đã góp phần vào quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trong việc cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong những tháng gần đây. Ảnh: AP. |
Nhưng trong khi hầu hết các ngân hàng trung ương châu Á đang đi theo sự dẫn dắt của Fed – tuần trước đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%), sau một loạt các lần tăng 75 điểm cơ bản – thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất cơ bản ba lần trong những tháng gần đây, phản ánh mối lo ngại về nền kinh tế đang giảm tốc và lĩnh vực BĐS gặp khó khăn.
Lãi suất cơ bản cho vay 5 năm - thước đo để thiết lập lãi suất cho vay thế chấp - ở mức 4,3%, giảm 35 điểm cơ bản (0,35%) so với đầu năm. Việc cắt giảm lãi suất làm giảm bớt gánh nặng nợ cho các công ty BĐS và người mua nhà, giảm rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng.
Nhưng điều này cũng làm giảm tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM). Đối với các ngân hàng Trung Quốc, NIM toàn ngành trong 9 tháng đầu năm là 1,94%, giảm 13 điểm cơ bản so với một năm trước, theo dữ liệu từ cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.
Những ngân hàng ở Nhật Bản lại cảm thấy khó khăn vì một lý do khác. Việc Fed tăng lãi suất đã làm giảm giá trái phiếu Kho bạc Mỹ, dẫn đến khoản lỗ lớn đối với các ngân hàng Nhật Bản nắm giữ trái phiếu, những ngân hàng này trong nhiều năm đã tăng các khoản vay và đầu tư trái phiếu ở nước ngoài để bù đắp cho tỷ suất lợi nhuận thấp ở thị trường trong nước.
Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 9, khoản lỗ trái phiếu nước ngoài ước tính đã tăng hơn gấp đôi lên gần 4 nghìn tỉ yên (29 tỉ USD) tại các ngân hàng MUFG, SMFG và Mizuho. Tại 98 ngân hàng khu vực của quốc gia, khoản lỗ lên tới 2,3 nghìn tỉ yên, tăng hơn 6 lần.
Giống như Trung Quốc, Nhật Bản đã giữ lãi suất ở mức thấp để tránh làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế của đất nước, mặc dù trong một động thái bất ngờ, BOJ đã nâng mức trần của lãi suất kỳ hạn 10 năm từ 0,25% lên 0,5%.
Ngược lại, lĩnh vực tài chính ở các nền kinh tế nhỏ hơn trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên, như Singapore, đang được hưởng lợi từ việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, ở những nơi khác trong ASEAN, lãi suất tăng đi kèm với rủi ro tiềm tàng.
Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP cao của Thái Lan có thể gây khó khăn cho ngân hàng cho vay của nước này. Ảnh: Getty Images. |
Trong khi các ngân hàng trên khắp châu Á bước vào năm mới với một nền tảng vững chắc hơn, các nhà phân tích cho rằng chi phí tài chính cao hơn hiện đang hỗ trợ họ cũng có thể dẫn đến rắc rối trong tương lai.
Trong một báo cáo tháng 12, CreditSights cảnh báo rằng lãi suất cao hơn và hoạt động kinh doanh chậm lại sẽ dần dần làm suy yếu khả năng trả nợ của người đi vay. Nói tóm lại, các ngân hàng có thể thu được lợi nhuận, nhưng khách hàng của họ có thể bị thiệt hại.
Báo cáo cho biết: “Lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn – ít nhất là đến năm 2024, dẫn đến việc các ngân hàng trung ương APAC, ngoại trừ Nhật Bản và Trung Quốc, cũng phải duy trì lãi suất tương tự. Các công ty sử dụng đòn bẩy quá cao có thể gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn trên thị trường trái phiếu hoặc thị trường cho vay, dẫn đến vỡ nợ.
Có thể bạn quan tâm:
"Cuộc đua" lãi suất toàn cầu giảm tốc
Nguồn Nikkei Asia