Ngân hàng Trung ương tại Đông Nam Á có chiến lược lãi suất khác nhau nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Sáu | 18/10/2024 16:26

Lãi suất Đông Nam Á phân hóa trước áp lực tăng trưởng

Ngân hàng Trung ương tại Đông Nam Á điều chỉnh lãi suất theo những áp lực nội địa khác nhau, khi FED cắt giảm lãi suất trong tháng trước.

Lãi suất tại Đông Nam Á đang có sự phân hóa rõ rệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng trước. Các quốc gia có nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Thái Lan và Malaysia được dự đoán sẽ chỉ nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm sau, hoặc muộn hơn.

Ngược lại, Indonesia và Philippines, hai nền kinh tế chủ yếu dựa vào nhu cầu nội địa, đã bắt đầu nới lỏng lãi suất trong vài tháng qua, dự kiến sẽ tiếp tục cắt giảm sớm hơn để hỗ trợ tăng trưởng. Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia này cao nhất khu vực, chi tiêu của hộ gia đình suy yếu đang gây áp lực lên triển vọng kinh tế.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan, Indonesia và Philippines dự kiến sẽ công bố các chính sách tiền tệ mới nhất. Ông Aninda Mitra, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và kinh tế vĩ mô châu Á tại BNY Investments, nhận định Manila sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn do giá gạo giảm và lạm phát hạ nhiệt. “Ngân hàng Trung ương Indonesia có thể sẽ theo bước FED trong việc nới lỏng, nhưng vẫn chờ đợi thêm thông tin rõ ràng từ chính quyền mới của Tổng thống Prabowo Subianto”, ông nói.

Các nhà kinh tế cho rằng Indonesia đang ở trong tình trạng "lửng lơ". Mặc dù GDP Indonesia tăng trưởng 5%, mức tăng khá mạnh trong khu vực, sự suy giảm tiêu dùng hộ gia đình trong quý III cho thấy sức mua yếu kém. Lạm phát hàng năm của nước này giảm xuống 1,84% trong tháng 9, đánh dấu đợt giảm thứ sáu liên tiếp. Nhà kinh tế Trung tâm Cải cách Kinh tế (CORE) Yusuf Rendy Manilet cho rằng đây là dấu hiệu của sự trì trệ, tương tự như thời kỳ đại dịch.

“Đây là lý do mà các nhà đầu tư đang chờ đợi và quan sát, đợi chính quyền mới và những lần cắt giảm lãi suất tiếp theo từ Ngân hàng Indonesia”, ông Manilet nhận xét. Ngân hàng Trung ương Indonesia đã bất ngờ giảm lãi suất 0,25% xuống còn 6% vào tháng trước và có thể tiếp tục cắt giảm thêm để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận tài chính giá rẻ.

Các nhà phân tích dự đoán Philippines sẽ có động thái tương tự, khi cắt giảm lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản vào tháng 8, lần đầu tiên sau gần bốn năm. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, đa số các nhà kinh tế dự báo Ngân hàng Trung ương sẽ tiếp tục giảm 25 điểm cơ bản xuống 6% và có khả năng thêm một đợt cắt giảm vào tháng 12 để hỗ trợ tăng trưởng.

Ông Low Shi Cheng, Chuyên gia phân tích rủi ro quốc gia tại BMI, cho rằng sự bất ổn từ cuộc xung đột Trung Đông có thể khiến chính sách thận trọng hơn, nhưng lạm phát giảm xuống dưới mục tiêu và động thái của FED đã tạo điều kiện cho việc nới lỏng mạnh mẽ hơn.

Mặc dù Philippines đối mặt với nhiều khó khăn, nền kinh tế nước này vẫn ổn định. Trong quý II, GDP tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, nhờ chi tiêu chính phủ tăng, dù chi tiêu tư nhân suy giảm chỉ tăng 4,6%. Điều này phản ánh người tiêu dùng đang chịu tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt và lạm phát cao.

Bất kỳ động thái nào về lãi suất đều quan trọng đối với người dân Philippines, vì tiêu dùng chiếm hơn 70% nền kinh tế quốc gia, nhưng chi tiêu cá nhân chỉ tăng 4,6% hàng năm trong quý II.

Trong hai năm qua, các Ngân hàng Trung ương Đông Nam Á đã nhanh chóng tăng lãi suất để đối phó với lạm phát và đồng USD mạnh. Lạm phát đã ảnh hưởng đến nhu cầu nội địa, trong khi đồng nội tệ yếu làm tăng gánh nặng nợ bằng USD. Tăng trưởng yếu kém và đồng tiền suy yếu đã dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi các quốc gia như Malaysia và Thái Lan.

Năm nay, tình hình bắt đầu thay đổi khi lạm phát hạ nhiệt và đồng tiền của khu vực tăng giá, đặc biệt là đồng ringgit Malaysia và baht Thái Lan, nhờ kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất. Các nhà kinh tế cho rằng Malaysia và Thái Lan có sự linh hoạt cao hơn trong chính sách tiền tệ, nhưng nhu cầu cắt giảm lãi suất lớn không cao do nền kinh tế dự báo sẽ phục hồi nhờ xuất khẩu.

Ngân hàng Trung ương Malaysia đã giữ nguyên lãi suất ở mức 3% trong tám cuộc họp liên tiếp, và dự báo sẽ duy trì mức này đến cuối năm 2025. Trong khi đó, tại Thái Lan, sau khi đồng baht tăng giá vào tháng 8, các nhà xuất khẩu đã kêu gọi hạ lãi suất. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương khó có khả năng nhượng bộ, khi nhu cầu nội địa vẫn mạnh và lạm phát cơ bản thấp.

Tỉ giá hối đoái hiệu quả thực tế không tăng mạnh như tỉ giá hối đoái danh nghĩa, điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn duy trì được tính cạnh tranh, theo ông Aris Dacanay, nhà kinh tế ASEAN của HSBC.

Nhu cầu nội địa của Thái Lan vẫn ở mức ổn định, khi lạm phát cơ bản ở mức 0,77% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, làm giảm các tuyên bố của chính phủ rằng chi phí vay cao đang kìm hãm sức mua của các hộ gia đình đang mắc nợ. Với tỉ lệ nợ hộ gia đình lên đến 90,8% GDP, Ngân hàng Trung ương thận trọng với các đợt cắt giảm lãi suất, vốn sẽ khuyến khích vay nợ mới.

“Nút thắt của chính sách tiền tệ Thái Lan nằm ở nợ hộ gia đình cao. Giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này đòi hỏi sự hy sinh và niềm tin rằng, bất chấp một số biến động, nền kinh tế đang đi đúng hướng”, ông Dancanay nói.

Có thể bạn quan tâm:

Thời kỳ hoàng kim của những người "yêu" vàng

Nguồn Nikkei Asia