Những phát biểu cuối tuần vừa qua của Chủ tịch NHTW châu Âu (ECB) - Mario Draghi cho thấy, nhiều khả năng trong thời gian tới ECB sẽ đi tới những công cụ chính sách tiền tệ phi chuẩn, mà bước trước tiên là cắt giảm một trong những lãi suất chủ chốt xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử.
Nguyên nhân dẫn đến lựa chọn chính sách trên theo ông Draghi chính là sự mạnh lên của đồng euro và tình trạng lạm phát thấp đang dần kéo dài theo thời gian.
Trong số các chính sách tiền tệ phi chuẩn dự kiến được ECB tiến hành, lãi suất tiền gửi âm và đánh thuế tiền gửi của các ngân hàng gửi tại ECB sẽ là những lựa chọn ưu tiên, trước các chương trình nới lỏng định lượng (QE). |
Tại diễn đàn kinh tế mùa xuân đang diễn ra tại Washington giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), ông Draghi đã khẳng định việc đồng euro tăng mạnh "đòi hỏi thêm kích thích tiền tệ". Theo Chủ tịch ECB, việc định giá đồng euro cao đã làm giảm 0,4%-0,5% tỷ lệ lạm phát trong 18 tháng qua.
Nguyên nhân thứ hai liên quan đến tình trạng lạm phát thấp khi tỷ lệ lạm phát trong tháng 3 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ tăng 0,5%, mức tăng thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Điều này cũng thúc đẩy ECB tiến tới những biện pháp nới lỏng tiền tệ hơn nữa. Trong khi giới phân tích đang đề cập nhiều đến khả năng thi hành một chương trình nới lỏng định lượng (QE) tại ECB tương tự như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thì các quan chức ECB vẫn khẳng định, nếu đi tới những hành động xa hơn, ECB có thể cắt giảm lãi suất thậm chí xuống mức âm, hơn là bắt đầu một chương trình nới lỏng định lượng.
Trên thế giới, hiện chỉ có một số NHTW đã từng cố gắng thi hành lãi suất huy động âm, như NHTW tại Thụy Điển và Đan Mạch. Tuy nhiên, kết quả của cả hai trường hợp trên đều không mấy thành công.
Trong trường hợp của ECB, một trong ba lãi suất chủ chốt có thể được hạ xuống dưới mức 0% trong thời gian tới sẽ là lãi suất tiền gửi. Hiện tỷ lệ lãi suất huy động đang được ECB duy trì ở 0%, đây là lãi suất mà ECB phải trả cho khoản tiền gửi mà các ngân hàng thành viên trong khu vực gửi lại làm dự trữ.
Giả sử các nhà hoạch định chính sách tại ngân hàng khu vực Eurozone thiết lập lãi suất tiền gửi -0,1% có nghĩa là các ngân hàng sẽ phải trả cho ECB một khoản tiền lãi với lãi suất 0,1%/năm cho khoản tiền gửi qua đêm tại ECB.
Xa hơn, không chỉ dừng lại ở ý tưởng thi hành lãi suất âm, các nhà điều hành chính sách tiền tệ tại ECB trong suốt tuần trước còn thông báo một ý định khác trong gói các công cụ chính sách phi chuẩn, đó là đánh thuế tiền gửi ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi là một trong ba lãi suất chủ chốt mà ECB áp dụng để điều hành chính sách tiền tệ. Đây là lãi suất mà NHTW châu Âu phải trả cho khoản tiền gửi dự trữ mà các ngân hàng thành viên trong khu vực gửi tại ECB. |
Cả hai lựa chọn chính sách trên thoạt nhìn có vẻ kỳ lạ bởi việc gửi tiền thay vì nhận tiền lãi trong điều kiện thông thường thì giờ các ngân hàng lại phải trả tiền khi cho ECB vay tiền. Tuy nhiên, nếu được thực hiện thì ECB sẽ trở thành ngân hàng tiên phong trong số các NHTW lớn trên thế giới vốn đã duy trì các mức lãi suất cơ bản cận 0% từ nhiều tháng nay.
Với những biện pháp làm tăng chi phí gửi tiền như trên, ECB hy vọng những tác động tích cực sẽ khuyến khích các ngân hàng trong khu vực cho vay nhiều hơn, nhất là đối với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tín dụng. Qua đó, giải quyết hai vấn đề cùng lúc là thúc đẩy tăng trưởng và chấm dứt tình trạng lạm phát thấp tại khu vực Eurozone.
Nguồn Gafin-NCĐT/Financial Times