Ảnh: asia.nikkei.com
Kyocera chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để né thuế quan của Mỹ
Ngày 02/08, Kyocera cho biết sẽ chuyển sản xuất máy photocopy và máy in đa năng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhằm tránh mức thuế quan mà Mỹ sẽ áp dụng với hàng hóa Trung Quốc.
Chủ tịch Kyocera Hideo Tanimoto nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi sẽ hoán chuyển sản xuất giữa các cơ sở của Trung Quốc và các cơ sở của Việt Nam". Máy in đa năng được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu cung cấp cho thị trường Mỹ, trong khi những máy in được sản xuất tại Việt Nam thường được dành cho thị trường châu Âu.
Theo Kyocera, quyết định này được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc và được thông báo ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về ý định áp đặt vòng thuế quan thứ tư đối với hàng hóa Trung Quốc.
Máy in đa chức năng là mặt hàng nằm trong nhóm hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trị giá 300 tỷ USD, vốn sẽ bị áp thuế 10% vào ngày 1/9/2019.
Việc hoán chuyển địa điểm sản xuất sẽ được thực hiện trong năm tài chính hiện tại (kết thúc vào cuối tháng 3/2020), song cần có thời gian để điều chỉnh việc mua sắm vật tư và các quy trình khác. Chi phí cho việc dịch chuyển có thể lên tới hàng tỷ yên (1 tỷ yên tương đương 9,2 triệu USD).
Kyocera Việt Nam chuyên sản xuất linh kiện gốm điện tử, thiết bị viễn thông, chế tác đồ trang sức. Ảnh: nsn.vn |
Nói về tác động của chiến tranh thương mại đến việc kinh doanh, ông Tanimoto bày tỏ quan ngại sâu sắc về kinh tế Trung Quốc. "Tác động từ việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ lớn hơn so với việc áp thuế quan bổ sung. Nếu Mỹ hiện thực hóa vòng áp thuế quan thứ tư đối với Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chịu tác động nghiêm trọng”, ông Tanimoto nói.
Tập đoàn Kyocera được thành lập năm 1959 tại Kyoto, Nhật Bản. Đây là tập đoàn nghiên cứu, sản xuất hàng đầu thế giới về vật liệu ceramics cải tiến, gốm sứ công nghiệp, linh kiện điện tử, thiết bị thông tin, thiết bị hình ảnh tài liệu văn phòng...
Năm 2013, Kyocera thành lập công ty TNHH Kyocera Việt Nam tại Khu Công nghiệp Thăng Long II.
►Nhiều công ty Mỹ đang dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc
►Dòng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc vào Việt Nam
►Làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc sẽ tăng tốc?