Thứ Năm | 02/10/2014 10:32

Kỳ vọng vào đồng bạc xanh: Hơn cả sự mạnh lên

Cách đây 2 năm, giới phân tích bắt đầu nói rằng, đồng USD đã "xanh" trở lại. Giờ đây, điều được quan tâm là đồng USD của thời điểm cách đây 6 năm so với đồng USD của hiện tại.
Nếu đặt câu hỏi về sức mạnh của đồng đô-la Mỹ (USD) cách đây vài ngày, thì câu chuyện "đang mạnh lên" của đồng bạc xanh có hơi lạc điệu. Bởi trên thực tế, giá USD đã lên cao nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nay.

Nhưng đà tăng của USD sẽ còn được cổ vũ hơn nữa nếu như cuộc họp chính sách tiền tệ tối nay (theo giờ Việt Nam) của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) diễn ra đúng theo kỳ vọng và những lời phát biểu trước đó của người đứng đầu ngân hàng này.

Nới lỏng tiền tệ hơn nữa là cam kết của Chủ tịch ECB Mario Draghi. Dự kiến chương trình mua trái phiếu mới sẽ được ECB trình bày trong cuộc họp diễn ra hôm nay 2/10. Bên cạnh đó, một loạt các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn cũng đang được ECB tiến hành, như duy trì lãi suất thấp kỷ lục và gần đây nhất là chương trình tái cấp vốn dài hạn theo mục tiêu (TLTRO). Các biện pháp nới lỏng mạnh mẽ chưa từng có của ECB, cùng với sự yếu đi rõ nét của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong vài tháng qua khiến cho đồng Euro không thể tránh khỏi xu hướng giảm giá. Do vậy, đô-la Mỹ đã mạnh lên đáng kể so với đồng tiền chung châu Âu. Sáng nay, đồng Euro (EUR) đã giảm xuống 1,2625 USD đổi 1 EUR trong xu hướng tăng hơn 8% của USD so với EUR trong suốt 6 tháng qua.

Một mặt, USD đang "hưởng lợi" nhờ sự yếu đi của những đồng tiền chủ chốt khác. Mặt khác, USD mạnh lên nhờ chính sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ.

Đối với đồng Yen (JPY), mở đầu phiên giao dịch hôm qua 1/10 tại châu Á, USD lần đầu tiên vượt ngưỡng 110 JPY đổi 1 USD, đánh dấu mức cao nhất của USD so với JPY kể từ 6 năm qua. Nguyên nhân của hiện tượng trên chủ yếu đến từ chính sách tiền tệ của Nhật Bản sẽ tiếp tục được nới lỏng trong thời gian dài, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có vẻ như đang tính toán đến việc nhanh chóng thắt chặt trở lại chính sách tiền tệ với quyết định nâng lãi suất dự kiến trong năm sau.

Một mặt, USD mạnh lên nhờ sự yếu đi của những đồng tiền chủ chốt khác. Mặt khác, USD mạnh lên nhờ chính sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ. Từ tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, số việc làm mới tạo ra, đơn đặt hàng sản xuất, doanh số bán nhà,... đều cho thấy sự tiến bộ từ đầu năm đến nay.

Chỉ cần thêm một phiên tăng điểm vào hôm nay nữa, USD sẽ có chuỗi tăng "dài hơi" nhất kể từ tháng 9/2008 - đỉnh điểm của khủng hoảng tài chính. Cách đây 2 năm, giới phân tích bắt đầu nói rằng, đồng USD đã "xanh" trở lại. Và giờ đây, điều được quan tâm là đồng USD của thời điểm cách đây 6 năm so với đồng USD của hiện tại.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện