Cuộc họp tháng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ được diễn ra vào thứ 5 tới. Trước thêm cuộc họp quan trọng này, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng rằng, không chỉ một, mà một gói nhiều biện pháp nới lỏng tiền tệ sẽ được đưa ra nhằm giúp khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đối phó với tình trạng lạm phát thấp, đồng Euro đang lên giá và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Phần lớn các chuyên gia kinh tế kỳ vọng ECB sẽ quyết định hạ lãi suất huy động (một loại lãi suất điều hành chủ đạo của ECB đối với các ngân hàng trung ương khác trong khu vực) xuống mức âm lần đầu tiên kể từ khi đồng tiền chung ra đời. Kèm theo đó, có thể còn nhiều biện pháp khác nhằm hỗ trợ thanh khoản sẽ được thi hành.
Giảm 10 điểm cơ bản đối với lãi suất điều hành chủ đạo được các chuyên gia đánh giá là một trong những lựa chọn nhiều khả năng xảy ra nhất. Khi đó, lãi suất tái cấp vốn sẽ xuống mức thấp kỷ lục 0,15% và lãi suất tiền gửi (ECB áp dụng đối với các ngân hàng gửi tiền tại đây) lần đầu tiên giảm xuống mức âm, với tỷ lệ -0,1%.
Trong trường hợp lãi suất tiền gửi âm được áp dụng nhằm mục đích thúc đẩy tiền chảy ra thị trường, gia tăng hoạt động cho vay bởi các ngân hàng sẽ phải trả tiền để được gửi tiền tại ECB, thay vì được nhận tiền lãi hoặc không mất phí như trước đây.
Bên cạnh đó, nhằm giảm sức ép thanh khoản, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng ECB sẽ triển khai những biện pháp hỗ trợ thanh khoản cũng với tỷ lệ lãi suất âm.
Phức tạp hơn về mặt kỹ thuật, một số chuyên gia cũng cho rằng chương trình SMP (một chương trình giúp cho ít tiền có thể chảy ra khỏi hệ thống của Eurozone) được triển khai là cần thiết.
Và cuối cùng là nới lỏng định lượng (QE). Mặc dù còn nhiều tranh luật xung quanh biện pháp đột phá này, tuy nhiên không có điều gì đảm bảo ECB không tạo nên một bất ngờ mới cho thị trường.
Thông tin do tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức tiết lộ 2 tháng trước cho biết, ECB đã xây dựng
mô hình đánh giá ảnh hưởng của chương trình QE trị giá 1.000 tỷ euro, tương đương 1.370 tỷ USD lên tỷ lệ lạm phát.
Số liệu lạm phát gần nhất cho thấy, tỷ lệ lạm phát (năm) tính theo Chỉ số Giá tiêu dùng Hài hòa (HICP) đã tăng 0,7% trong tháng 5, tức chỉ tăng nhẹ so với mức thấp nhất 5 năm trong tháng 3 với mức tăng 0,5%. Trong khi cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này là 1,2%. Đồng thời tháng 5 được ghi nhận là tháng thứ 7 liên tiếp chỉ số này tăng dưới 1%.
Số liệu được công bố thứ 6 tuần trước cho thấy, tỷ lệ lạm phát năm tại cả Italy và Tây Ban Nha đều thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của ECB. Điều này sẽ thúc đẩy ECB tiến hành những biện pháp mới nhằm đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng lên.
Ngoài ra, một báo cáo khác vừa được Markit Economics công bố hôm nay cho thấy,sản xuất tại khu vực Eurozone đã chậm lại trong tháng 5 do sự suy yếu của Pháp. Cụ thể, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 5 của khu vực Eurozone giảm xuống 52,2 điểm so với 53,4 điểm trong tháng 4.
Nguồn Theo DVO/Market Watch